Khủng hoảng tín dụng và sự hoảng loạn trên thị trường tài chính Trung Quốc tháng trước đã làm cả thế giới phải suy nghĩ về những mối nguy hiểm mà nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang phải đối mặt. Có rất nhiều lý thuyết về nguyên nhân của cơn khát thanh khoản này. Một số người cho rằng đó là động thái cố ý của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nhằm kiềm chế tăng trưởng tín dụng phi mã, đặc biệt trong lĩnh vực tín dụng đen.
Người khác bình luận đấy chỉ là một bước đi kém sáng suốt, vừa làm thị trường hốt hoảng, lại không tăng thêm độ tin cậy cho chính phủ. Thực tế, PBOC sau đó đã nhanh chóng nhượng bộ và bơm thêm thanh khoản.
Điều đáng quan tâm hiện nay không phải là việc gì đã xảy ra trong tháng 6, mà là hậu quả của các chính sách giảm đòn bẩy tài chính ở Trung Quốc. Cơn khát thanh khoản tháng trước đã phát đi tín hiệu rất rõ ràng rằng bong bóng tín dụng của Trung Quốc rất mong manh. Hậu quả là nước này sẽ trải qua giai đoạn giảm đòn bẩy tài chính đầy đau đớn và tăng trưởng chậm trong thời gian dài.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư. Ảnh: AFP
Đến nay, các nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đều bỏ qua vai trò của bùng nổ tín dụng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng đầu tư ở nước này. Năm 2008, tổng tín dụng tại Trung Quốc bằng 115% GDP. Hiện nay, tỷ lệ này ước tính lên tới 173%. Cũng như tất cả bong bóng tín dụng khác, hầu hết các khoản vay mới đều rơi vào tay những người đi vay liều lĩnh.
Những bên hưởng lợi lớn nhất của tình trạng này là các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương và các công ty bất động sản. Họ rót tiền vay vào các dự án thiếu minh bạch về tài chính, như nhà máy, cơ sở hạ tầng và đầu cơ bất động sản. Khi cơn sốt tín dụng còn, những hoạt động này vẫn mang lại kết quả tốt. Nhưng ngày nay, khi tăng trưởng bị chậm lại và bong bóng tín dụng đã căng đến độ nguy hiểm, họ bắt đầu cảm thấy hậu quả.
Giới phân tích đang lo ngại hai vấn đề liên quan đến bong bóng tín dụng ở Trung Quốc. Đầu tiên là khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng và những rủi ro về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện. Tuy nhiên, với đặc trưng của hệ thống ngân hàng Trung Quốc - chủ yếu do nhà nước sở hữu và kiểm soát nguồn vốn, khả năng sụp đổ toàn hệ thống có thể bị loại trừ.
Trên lý thuyết, các ngân hàng Trung Quốc vẫn sẽ có nợ khó đòi vượt quá số vốn và khả năng thanh toán. Tuy nhiên, Chính phủ có thể yêu cầu các nhà băng cho nhau vay. PBOC cũng sẽ duy trì việc in thêm tiền. Và nếu thấy cần phải tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, Chính phủ có thể xóa các khoản nợ xấu hoặc kết hợp lạm phát với biện pháp tài khóa để gạt bỏ những khoản này.
Tuy nhiên, ngay cả khi né được viên đạn này, họ vẫn sẽ phải đối mặt với tăng trưởng giảm mạnh trong thời gian dài. Kinh tế Trung Quốc chủ yếu tăng trưởng nhờ đầu tư, cụ thể là do bùng nổ tín dụng. Vì thế, khi tăng trưởng tín dụng chuẩn bị bước vào tình trạng suy giảm, đầu tư chắc chắn sẽ giảm theo, kéo theo tốc độ tăng trưởng nói chung.
Những người lạc quan thường cho rằng Trung Quốc sẽ suy giảm từ từ và không sụp đổ đột ngột. Ẩn dụ ưa thích của họ là kinh tế Trung Quốc như một chuyến tàu cao tốc, có thể chậm lại nhưng sẽ không đổ.
Tuy nhiên, Martin Wolf, cây bút bình luận kinh tế của Financial Times, gần đây lại ví kinh tế Trung Quốc như một chiếc máy bay phản lực. Ông cảnh báo khi tăng trưởng tụt xuống một mốc nhất định, nền kinh tế sẽ bị đình trệ và rơi vào vòng xoáy đi xuống, giống như chiếc máy bay phản lực.
Đây là cách hiểu khá sâu sắc về hậu quả của việc giảm đòn bẩy tài chính ở Trung Quốc. Vì nó chỉ ra tính chất liên đới của các thành phần trong một nền kinh tế dựa vào đầu tư. Giảm tín dụng và đầu tư sẽ tạo ra nhiều cú sốc đồng thời cho toàn bộ nền kinh tế. Về mặt tài chính, tình trạng dư thừa công suất tại các nhà máy và dự án cơ sở hạ tầng được xây dựng theo viễn cảnh Trung Quốc tăng trưởng cao sẽ khó có khả năng trả nợ. Vỡ nợ quy mô lớn sẽ khiến các ngân hàng ngày càng ngần ngại cho vay vì núi tín dụng xấu trong sổ sách.
Nhu cầu về máy móc, lao động và mọi thứ khác sẽ giảm đáng kể nếu tăng trưởng đầu tư xuống dưới một mức nhất định. Việc này sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn và làm trầm trọng thêm tình trạng thừa công suất.
Cách đối phó của ban lãnh đạo mới tại Trung Quốc với kịch bản về cơn ác mộng này vẫn còn là một ẩn số. Hiện nay, họ không tỏ ra quá hoảng hốt mà sẵn sàng chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm. Họ dường như hiểu rằng tốc độ tăng trưởng nhờ tín dụng không những không bền vững mà còn dẫn đến một thảm họa lớn hơn nhiều khi bong bóng đó vỡ. Theo cách hiểu lạc quan này, Bắc Kinh chỉ đang đánh cược với thời gian. Họ đang chờ các điều kiện kinh tế xấu đến một mức nhất định, để dùng cuộc khủng hoảng này đẩy nhanh tiến trình cải cách đầy đau đớn.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu phản ứng của Trung Quốc đối với việc tăng trưởng liên tục giảm sút kể từ năm ngoái, giới phân tích nhận thấy họ gần như không có sự thay đổi đáng kể nào về chính sách. Tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì tốc độ không đổi. Vì vậy, một khả năng khác là ban lãnh đạo mới của Trung Quốc không biết phải làm gì với việc bong bóng tín dụng phát nổ.
Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ họp vào mùa thu. Đây là thời điểm họ công bố gói cải cách kinh tế đầy đủ. Nội dung của gói cải cách này sẽ phản ánh cách giải quyết của ban lãnh đạo mới với việc tái cơ cấu nền kinh tế và khả năng hứng chịu hậu quả. Vì thế, cho đến lúc đó, thị trường vẫn nên thận trọng về kinh tế nước này.