Ảnh minh họa
Ngày 26/8/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 3745/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’’.
Theo đó, Ninh Thuận sẽ xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng nhanh, bền vững.
Tập trung ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; cảng và dịch vụ cảng; Nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.
Tại khu vực này sẽ phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Từ đó đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước và đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.
Mục tiêu cụ thể, Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 18- 19%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 40 – 45 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2025, GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt khoảng 130 triệu đồng; tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 chiếm khoảng 28- 29% GRDP của tỉnh.
Bên cạnh đó, cơ cấu các ngành kinh tế với nông nghiệp và thủy sản chiếm 24- 25%; công nghiệp – xây dựng chiếm 57-58%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 18- 19% vào năm 2025.
Đặc biệt, khu vực này sẽ tạo việc làm cho khoảng 77 nghìn người vào năm 2025.
Kế hoạch của UBND tỉnh Ninh Thuận cũng xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư vùng trọng điểm phía Nam tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 70-80 ngàn tỳ đồng. Trong đó giai đoạn 2021-2025 là 40- 45 ngàn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 30-35ngàn tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn, gồm vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.126 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng vốn; nguồn vốn huy động các thành phần kinh tế và xã hội hóa là 74.574 tỷ đồng, chiếm 93,6% tổng vốn.
Kế hoạch của UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển các ngành kinh tế tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.
Đơn cử, về công nghiệp- xây dựng, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đang triển khai, Cảng tổng hợp Cà Ná (hướng đến trở thành Cảng có chức năng trung chuyển quốc tế trong tương lai).
Tỉnh cũng thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII, nhất là hình thành tổ hợp Trung tâm điện khí LNG, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến muối, sản phẩm sau muối, sản xuất Xút-Clo và PVC, chế biến thủy sản.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phước Nam để phát triển các ngành lắp ráp điện tử, tin học, các ngành nghề công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí; sản xuất hàng tiêu dùng, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 100%.
Phát triển Khu công nghiệp Cà Ná, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện với các nhóm ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng, công nghệ cơ khí, chế tạo, phát triển công nghiệp và các ngành chế biến muối và sản phẩm sau muối, hóa dược thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường...
Riêng lĩnh vực thương mại- dịch vụ- du lịch, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo giá trị gia tăng cao, trọng tâm là logistic, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ phụ trợ khác.
Hình thành và phát triển các trung tâm thương mại, các trung tâm dịch vụ hỗn hợp; phát triển siêu thị; phát triển Tổng kho xăng dầu khu vực Cảng tổng hợp Cà Ná quy mô 100.000 m3; kho phân phối LNG cho các tỉnh Nam Trung bộ và các tỉnh phía Nam.
Tỉnh cũng tập trung phát triển đồng bộ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, gắn với hình thành đô thị ven biển; hình thành các khu du lịch đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt, có tính cạnh tranh cao; phát triển du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng với các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp.
Đẩy mạnh liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia, khu vực Đông Nam Bộ và Miền Trung – Tây Nguyên.
Đẩy mạnh phát triển đô thị và hạ tầng
Về phát triển đô thị, khu vực này sẽ hình thành các Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, Khu đô thị phía Đông – Tây QL1A, Khu đô thị mới Phước Diêm, các đô thị trung tâm Phước Nam, Sơn Hải và Cà Ná theo hướng hiện đại, với tam giác phát triển là Phước Nam - Cà Ná - Sơn Hải.
Trong đó tập trung ưu tiên phát triển Khu đô thị Cà Ná, tạo động lực phát triển trong định hướng phát triển khu đô thị khu vực trọng điểm phía Nam.
Song song với đó là triển khai xây dựng đô thị thông minh, trong đó ưu tiên các lĩnh vực quản lý đô thị, trật tự an toàn xã hội, du lịch, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe.
Tỉnh cũng sẽ phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách, lực lượng lao động và người dân trong vùng; nâng tỷ lệ diện tích sàn nhà ở bằng với bình quân cả tỉnh.
Ngoài ra, tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh cũng sẽ được tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường liên thông, kết nối với các tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển.
Tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc – Nam, ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường nối từ đường cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ IA và cảng biển Cà Ná.
Ninh Thuận phấn đấu sớm hoàn thành đưa vào khai thác cảng biển nước sâu Cà Ná có trọng tải đến 300.000 DWT; nâng cấp các tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, QL1A – Phước Hà – Ma Nới, Đường nối từ Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam đến Khu công nghiệp Cà Ná...
Đặc biệt là thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng Nhà Ga mới và tuyến đường sắt nối Cảng tổng hợp Cà Ná với đường sắt Thống Nhất tại Ga Cà Ná mới theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong giai đoạn tới, Ninh Thuận cũng sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư các công trình phụ trợ khác, như cảng cạn và trung tâm logistics, trạm dừng nghỉ, bến xe, bãi đỗ xe,…
-
Quy định mới nhất về diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại Ninh Thuận từ 2024
Từ ngày 31/10/2024, quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sẽ áp dụng theo Quyết định 84/2024/QĐ-UBND....
-
Tỉnh miền Trung sắp đầu tư loạt khu đô thị nghìn tỷ
Ngày 15/11 tới đây, tỉnh này sẽ tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh nhằm giới thiệu tiềm năng, môi trường đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư tới cộng đồng doanh nghiệp tại Khách sạn Continental Sài Gòn, TP.HCM....
-
Bộ Công Thương thông tin về việc tại khởi động dự án điện hạt nhân
Phát triển điện hạt nhân là xu hướng tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch năng lượng xanh, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để phát triển điện hạt nhân đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, nguồn tài chính và đặc biệt là yế...