10/10/2015 7:42 AM
Sáp nhập, hợp nhất (M&A) được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Tnhiên, hậu M&A, ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất phải gánh những món nợ không nhỏ và việc xử lý cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng vài năm tới sẽ không cao do phải trích lập dự phòng lớn

Mất ít nhất 3 năm làm “sạch” sổ sách

Thực tế cho thấy, ngân hàng bị sáp nhập phần lớn là những nhà băng yếu kém, nợ xấu cao, vì thế, nhiệm vụ lớn nhất của ngân hàng sau sáp nhập là nỗ lực xử lý nợ xấu.

Đơn cử trường hợp SHB sáp nhập thêm Habubank vào giữa năm 2012. Theo đó, năm 2012, SHB đã phải dành lợi nhuận phân bổ cho các cổ đông để xử lý khoản thua lỗ hơn 1.660 tỷ đồng của Habubank chuyển sang cũng như tiếp nhận khối nợ xấu hơn 5.504 tỷ đồng, chiếm 32% tổng dư nợ.

SHB đã có văn bản xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép không tính các khoản nợ của Vinashin và đơn vị chuyển giao sang PVN, Vinalines vào tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn chung của Ngân hàng trong vòng 5 năm; trích lập dự phòng rủi ro cho nợ của Vinashin được phân bổ đến năm 2018. Thậm chí, SHB cũng “xin” tăng thời gian phải trích dự phòng nợ xấu đã bán cho VAMC trên 5 năm, giảm tỷ lệ trích lập dưới 20%/năm so với quy định hiện hành. Trong thời gian đầu sau sáp nhập, các chỉ tiêu tài chính của SHB đã bị ảnh hưởng theo hướng giảm mạnh.

Tuy nhiên, sau 3 năm đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của SHB từ 12,88% (khi sáp nhập Habubank) đã giảm xuống 2,48% vào cuối quý II/2015. Lợi nhuận trước thuế của SHB tăng gần 20%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, SHB đạt 480 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tăng trưởng tín dụng đạt 13,9%. Cũng trong nửa đầu năm nay, SHB đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2014 lên mức 9.486 tỷ đồng. Mục tiêu của Ngân hàng là đạt 1.120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tăng vốn điều lệ lên 10.486 tỷ đồng trong năm nay.

Sau khi bán một lượng nợ xấu lớn cho VAMC (gần 11.000 tỷ đồng đến cuối năm 2014, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%), năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, tổng khối lượng nợ xấu SCB tiếp tục bán cho VAMC khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, chỉ tiêu xử lý nợ xấu của SCB là khoảng 1.600 tỷ đồng, nhưng mục tiêu kỳ vọng của Ngân hàng là 2.500 tỷ đồng. Với việc đẩy mạnh tái cấu trúc và nỗ lực xử lý nợ xấu trong hơn 3 năm kể từ khi hợp nhất (SCB - Ficombank - TinNghiaBank), đến nay, hoạt động của SCB đã ổn định và dần tăng trưởng.

Thị trường thời gian qua chứng kiến không ít thương vụ M&A ngân hàng như MHB - BIDV; MekongBank - MaritimeBank; DaiABank - HDBank; hay mới đây nhất là thương vụ SouthernBank - Sacombank chính thức về chung một nhà trong ngày 1/10. Tại ĐHCĐ bất thường Sacombank hồi tháng 7, trả lời thắc mắc của cổ đông về việc làm thế nào để xử lý được nợ xấu của SouthernBank sau sáp nhập và mất thời gian bao lâu, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng đã có kế hoạch để xử lý nợ xấu của SouthernBank trong 3 năm.

Và ảnh hưởng đến lợi nhuận

Mặc dù các nhà băng đã bán số lượng lớn nợ xấu cho VAMC và làm sạch được sổ sách, nhưng việc xử lý nợ xấu của ngân hàng hiện còn khó khăn do khâu phát mãi tài sản bảo đảm khi thị trường bất động sản mới chỉ có sự hồi phục ở một số dự án có đầu ra và phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp. Vì thế, với khoản nợ xấu lớn của đơn vị bị sáp nhập để lại, ngân hàng sau sáp nhập khó tránh bị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh do phải trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Trong 3 năm đầu sáp nhập thêm SouthernBank, HĐQT Sacombank đã dự kiến kết quả kinh doanh giảm mạnh hơn 2/3 so với các năm trước. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).

Hoàn tất sáp nhập MDB vào MaritimeBank trong quý II/2015, HĐQT MaritimeBank cho biết, do tiếp tục chịu gánh nặng về giải quyết nợ xấu nên lợi nhuận của Ngân hàng trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng đưa ra cho năm 2015 là 1.114 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế (sau trích dự phòng) chỉ ở mức 165 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2014. Chính vì lợi nhuận giảm do phải trích lập dự phòng lớn, HĐQT MaritimeBank cho biết, Ngân hàng cũng sẽ không chia cổ tức cho cổ đông trong năm nay.

Tuy có những khó khăn trong giai đoạn đầu hậu sáp nhập, song các nhà băng tự tin sẽ vượt qua để tăng trưởng bền vững. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu trong nội bộ hệ thống ngân hàng không ưu tiên xử lý cho nhau thì quá trình tái cơ cấu ngành sẽ diễn ra khá chậm, không tránh được đổ vỡ và không được nhanh gọn như thời gian qua.

“Ngành ngân hàng đã có sự cải tổ hệ thống cũng như gia tăng sáp nhập các ngân hàng nhỏ, yếu kém vào các ngân hàng lớn. Mặc dù khó tránh khỏi khó khăn về hoạt động và nợ xấu, nhưng sau thời gian tái cơ cấu, các nhà băng sau sáp nhập sẽ lớn mạnh về vốn và quy mô hoạt động”, TS. Lực nói.

Vân Linh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.