Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp đang rơi vào cảnh thiếu vốn trầm trọng đã buộc phải rao bán dự án. Các dự án được rao bán khoảng từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng tùy theo tiến độ. Nhiều thương vụ đã được thực hiện thành công trong thời gian gần đây như: Thương vụ Tập đoàn Archi mua lại 67% cổ phần của Công ty Du lịch Hồ Sông Đà (Sudito) và mua đứt Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Kim Bôi; thương vụ Tập đoàn FPT bán lại cổ phần trong Dự án Tòa nhà FPT 89, Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội)…
Khu vực phía Nam, Futaland và Công ty cổ phần Đức Khải chuyển nhượng dự án New Pearl Residences trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) cho Công ty Vạn Thịnh Phát. Indochina Capital mua lại dự án xây dựng 114 biệt thự tại Quận 9, TP.HCM; Công ty đầu tư Du lịch Huế mua lại khách sạn Century 135 phòng tại Huế từ Công ty Crowndale International Corporation (Hồng Kông) hay Công ty Intresco chuyển nhượng dự án căn hộ Hải Âu cho Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phú…
Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, xu hướng M&A sẽ là tiêu điểm của thị trường BĐS trong thời gian tới. Đây là cũng là lời giải cho bài toán tài chính hiện nay đối với thị trường BĐS. Tuy nhiên, việc mua bán dự án cũng không phải dễ dàng vì phải đảm bảo quyền lợi của cả hai bên: chủ đầu tư, doanh nghiệp mua lại dự án và khách hàng tham gia góp vốn.
Tuy nhiên hiện nay, hành lang pháp lý cơ chế pháp lý đối với dự án BĐS là rất phức tạp, thêm vào đó thông tin các dự án BĐS có thể nói là chưa minh bạch lắm. Vì vậy, tỷ lệ thành công trong việc thỏa thuận của các vụ M&A chưa được cao.
Trước những thông tin mập mờ về việc chuyển nhượng hay sát nhập dự án, nhiều khách hàng băn khoăn và lo lắng về số phận các căn hộ mà họ góp vốn sẽ ra sao khi dự án thay tên đổi chủ.
Theo ý kiến của các luật sư, về mặt pháp lý khi các dự án được chuyển nhượng thì khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng. Xét về mặt tích cực thì khi quá trình M&A thành công thì các dự án sẽ tiếp tục được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ bàn giao cho khách hàng.
Ông Nguyễn Hồng Chung, Giám đốc công ty luật Davilaw cho biết: “Khi thực hiện M&A, người ta phải kế thừa hoàn toàn quyền, nghĩa vụ của các đơn vị mình sát nhập đơn vị mua. Điều này được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư vào các dự án BĐS vẫn còn nguyên”.
Tuy nhiên, trên thực tế khách hàng vẫn có thể gặp một số bất lợi về mặt tâm lý. Phần lớn, các dự án được M&A là dự án có khó khăn về tài chính, chậm tiến độ được chủ đầu tư “sang tay” cho công ty khác. Lúc này, khách hàng sẽ là người hoang mang hơn ai hết bởi căn hộ mà họ bỏ cả tỷ đồng mua không biết khi nào mới hoàn thiện, liệu chủ đầu tư mới có giữ uy tín, có làm tròn trách nhiệm?
Do hợp đồng góp vốn giữa người dân với các chủ đầu tư vẫn luôn tồn tại nhiều điều khoản bất lợi mà người dân không được xem trước hoặc là ở trong tình thế đã rồi. Khi dự án được sang tên chủ đầu tư mới có thể sử dụng những điều khoản bất lợi trên hợp đồng góp vốn mà khách hàng đã ký gây khó khăn cho khách hàng. Vì vậy, nhiều khi khách hàng rất khó bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.