28/04/2014 11:02 PM
Năm 2013 kết quả kinh doanh của Vinaconex không mấy khả quan, trong khi đó hàng loạt các dự án của đơn vị này đều dính “tai tiếng”.
Báo cáo của Hội đồng quản trị Vinaconex, tình hình kinh doanh của tổng công ty năm 2013 không khả quan. Tổng doanh thu của công ty mẹ là 4.916 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 284 tỷ, bằng 62% kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động xây lắp đạt 4.003 tỷ đồng, lợi nhuận thu 83 tỷ đồng. Còn doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản 373 tỷ đồng đạt gần 92%.
Vinaconex lao đao vì nhiều dự án tai tiếng.
Tổng giám đốc Vũ Quý Hà giải trình, không hoàn thành chỉ tiêu do Vinaconex chưa thoái vốn được ở một số đơn vị như Vinaconex Viettel, Công ty cổ phần phát triển thương mại chợ Mơ. Chi phí trích lập dự phòng ghi nhận vào kết quả kinh doanh của công ty mẹ năm ngoái tăng 268 tỷ đồng so với kế hoạch.
Đối với Xi măng Cẩm Phả, Vinaconex khẳng định, dự kiến xi măng Cẩm Phả sẽ trả dần khoản nợ 2.400 tỷ đồng cho công ty trong vòng 5 năm. Đi vào hoạt động từ năm 2008, Xi măng Cẩm Phả trở thành gánh nặng buộc Vinaconex phải trả nợ thay gần 2.400 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Vinaconex gặp khó khăn về tài chính, và quyết định bán công ty cho Viettel cuối năm ngoái.
Năm 2013 cũng là năm không mấy suôn sẻ đối với hàng loạt các siêu dự án của Vinaconex.
Mới đây, sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà đã khiến dư luận bức xúc, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản yêu cầu Vinaconex báo cáo, giải trình.
Tại đại hội cổ đông của doanh nghiệp này, vấn đề vỡ đường ống nước lại một lần nữa được các cổ đông đưa ra để chất vấn ban lãnh đạo.
Một cổ đông thẳng thắn đặt câu hỏi tại sao đường ống “hay vỡ”? Tổng giám đốc Vũ Quý Hà phản bác, nói vậy là chưa chính xác.
Ông cho hay, kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2009, đường ống nước Sông Đà vỡ 5 lần, lần gần nhất diễn ra hôm 1/4.
“Chúng tôi không thể nói trong tương lai có vỡ được hay không vì nếu khẳng định thì không khác nào ăn cơm dân gian nói chuyện âm phủ”, ông nói.
Theo ông Hà, sau những lần sự cố xảy ra, Tổng công ty đã lập đội phản ứng nhanh để rút gọn thời gian xử lý sự cố nhằm cung cấp nước đảm bảo đời sống cho người dân.
“Lần vỡ ống nước đầu tiên cần mất gần 90 tiếng để khắc phục. Nhưng đợt vỡ lần 5 chỉ mất 18 tiếng đã khắc phục xong”, ông nói.
Tổng công ty cũng đầu tư khẩn cấp tuyến ống với vật liệu tốt hơn giá trị 1.000 tỷ bằng việc vay vốn thương mại. Thành phố Hà Nội cam kết sẽ có hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngay sau buổi đại hội cổ đông này, rạng sáng 26/4, tuyến đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội lại xảy ra sự cố vỡ ống tại Km26+600 trên đại lộ Thăng Long.
Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình, thuộc Bộ Xây dựng - cho biết vào khoảng 1h sáng ngày 25/4, đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội đã gặp sự cố tại tại Km 26+600 trên Đại lộ Thăng Long, (tại địa bàn xã Núi Trúc, huyện Thạch Thất).
Sự cố khiến 70.000 hộ dân thuộc các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Từ Liêm mất nước.
Một trong những dự án khác của Vinaconex khiến các cổ đông quan tâm là dự án khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora do liên danh Vinaconex - Posco E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Có thể nói đây là một trong những dự án từng được coi là “gà đẻ trứng vàng” của Vinaconex, tuy nhiên đến nay dự án được biết đến nhờ những tranh chấp “tai tiếng” hơn là “nổi tiếng”.
Năm 2013, khách hàng mua dự án này phản đối chủ đầu tư về nhiều vấn đề như xây dựng sai thiết kế, nhiều điều khoản trong hợp đồng thực hiện không đúng, vật liệu xây dựng không đảm bảo…Thậm chí, một nhóm khách hàng còn kiện chủ đầu tư ra tòa.
Trả lời về vấn đề này, ban điều hành Tổng công ty Vinaconex cho biết Splendora đã về cơ bản giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất. Giai đoạn 1 đã thi công và ban giao, bán 100% biệt thự liền kề và 70% căn hộ. Giai đoạn 2 đang bị hoãn do quy hoạch tiểu khu của thành phố, dự án nằm ở tiểu khu S3, đang được điều chỉnh nên triển khai chậm hơn cho phù hợp.
Đối với dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ chưa hoàn thành và chưa thể đi vào hoạt động trong điều kiện bình thường như chủ đầu tư đã cam kết trong hợp đồng.
Đại diện HĐQT Vinaconex cho biết, hiện nhiều tranh chấp chưa xử lý được nên bây giờ chưa thể trả lời rõ ràng và sẽ cố gắng xử lý nhanh nhất.
Về kế hoạch năm 2014, Chủ tịch Vinaconex Nguyễn Thành Phương tiết lộ năm nay Vinaconex đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Petrowaco để hợp tác thực hiện dự án chung cư 97-99 Láng Hạ.
Bên cạnh việc tìm kiếm phát triển dự án mới, năm nay, Vinaconex giải phóng hàng tồn kho, hoàn thành dự án dở dang như Trung tâm thương mại chợ Mơ, dự án Vinata Tower, dự án Splendora, chung cư CT4, dự án Kim Văn Kim Lũ.…
“Năm 2014 Vinaconex tiếp tục tập trung vào bất động sản và xây lắp”, ông Phương cho hay.
Ngọc Vy (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.