Thời gian qua, hàng chục hộ dân thôn Bùi 2, xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, hoang mang vì tường nhà bỗng nhiên nứt toác.
Ông Phạm Ngọc Ngôn (60 tuổi) cho biết, cuối năm 2014, căn nhà cấp 4 của gia đình bắt đầu xuất hiện những vết nứt chân chim chằng chịt. Chỉ trong thời gian ngắn, vết nứt lan rộng khắp bốn bức tường trong căn nhà này.
“Không những nhà ở, các công trình phụ như tường bao, cổng, nền sân, nhà vệ sinh và nhà bếp của gia đình tôi cũng bị nứt tường, sụt lún” – ông Ngôn than thở.
Căn nhà mới tu sửa của gia đình bà Hài bị nứt toác Ảnh: Nguyễn Dương.
Cách đó không xa, căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hài (68 tuổi) bị ảnh hưởng nặng nhất thôn. Những vết nứt trên tường của căn nhà tu sửa cuối năm 2013 ngày một lan rộng.
Cho đến nay, vết nứt đã giãn ra, rộng đến 2,5 cm khiến gia đình bà Hài luôn bất an. Bà nói: “Ba vết nứt rộng ngay cạnh cửa cổ bên phải của căn nhà. Vợ chồng tôi đứng trong nhà nhìn qua khe nứt cũng thấy được bên ngoài. Mấy năm nay, không ngày nào vợ chồng tôi được yên ổn vì nỗi lo nhà cửa có thể sập bất cứ lúc nào”.
Theo ghi nhận, có hàng chục căn nhà, công trình phụ dọc các tuyến đường, ngõ ngách của thôn Bùi 2 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong số đó, không ít những căn nhà tầng được xây kiên cố cũng bị nứt ở nhiều vị trí khác nhau.
Nhiều vết tường nhà nứt tại thôn Bùi 2 tách giãn đến 2,5 cm. Ảnh: Nguyễn Dương.
Điều đáng lo ngại hơn, cùng thời điểm nhà nứt, toàn bộ giếng khơi, giếng khoan trước nay bà con sử dụng bình thường bỗng dưng cạn kiệt. Tình trạng này kéo dài gần ba năm nay khiến cuộc sống của người dân thôn Bùi 2 bị đảo lộn hoàn toàn.
Bà Hoàng Thị Ca - Trưởng thôn Bùi 2 cho biết, tình trạng rạn nứt, sụt lún nhà cửa tại địa phương ban đầu xuất hiện ở 40 hộ. Cho đến nay, số căn nhà bị nứt đã tăng lên 58 hộ.
“Đã có nhiều đoàn, đơn vị chức năng về địa phương tìm hiểu sự việc. Những ngôi nhà nứt được họ đánh dấu vị trí để theo dõi. Tuy nhiên, nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ, công bố trong sự mòn mỏi chờ đợi của chúng tôi” – bà Ca lo lắng.
Theo người dân, tình trạng sụt lún, nứt tường nhà vẫn đang lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng. Hàng chục năm nay, bà con vẫn sống yên ổn, chưa hề ghi nhận có hiện tượng này. Họ cho rằng, nguyên nhân do Nhà máy nước sạch xã Tiến Lộc đi vào hoạt động từ tháng 9/2014. Bởi cùng thời điểm này, hiện tượng nhà nứt, giếng trơ đáy bắt đầu xảy ra ở địa phương.
Giếng nước sinh hoạt của bà con thôn Bùi 2 bỗng nhiên bị trơ đáy khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Ảnh: Nguyễn Dương.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Văn Thiêm – Phó chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết, sau thời gian theo dõi một năm từ mùa khô đến mùa mưa, ngày 27/7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa thông báo kết luận từ các cơ quan chức năng. Theo đó, có tổng cộng 58 căn nhà tại thôn Bùi 2 bị rạn nứt. “Nguyên nhân rạn nứt do giếng khoan, máy bơm nước công suất lớn của Nhà máy nước sạch Tiến Lộc” – ông Thiêm nói.
Cũng theo ông Thêm, các cơ quan liên ngành đã giao Ban quản lý Nhà máy nước sạch phối hợp với UBND huyện thành lập Hội đồng đánh giá mức độ thiệt hại để đền bù, bồi thường cho các hộ dân thôn Bùi 2.
“Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, công tác đánh giá này đang thực hiện chậm trễ nên bà con vẫn chưa nắm được thông tin chính thức và nhận được đền bù thiệt hại” – vị Chủ tịch nói và cho biết thêm, ngành chức năng đang thực hiện phương án khoan giếng khai thác nước sạch cho nhà máy ở vị trí khác, cách xa khu dân cư.
Đại diện Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa (chủ đầu tư dự án) cho biết, công trình nước sạch xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc) được đầu tư từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á, đưa vào sử dụng tháng 9/2014. Theo thiết kế, giếng nước nhà máy có độ sâu 109 m, rộng 300 mm, phục vụ cho 2.071 hộ dân xã Tiến Lộc với công suất 1.000 m3/ngày đêm. |