Chủ đầu tư Tricon Towers biến mất, 400 tỷ đi đâu?
Chủ đầu tư bất ngờ mất tích, hàng trăm khách hàng mua dự án Tricon Tower của công ty Cổ phần đầu tư Minh Việt như ngồi trên đống lửa vì nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng.
Theo phản ánh của những khách hàng mua dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, Hà Nội) do Công ty Cổ phần đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư, mấy ngày nay, theo lời hứa của ông Tổng Giám đốc Edward Chi, họ đến trụ sở công ty để đòi tiền đã mua dự án.
Tuy nhiên, tại trụ sở công ty này vắng hoe, gần như không còn ai, chỉ có duy nhất một cô nhân viên làm việc. Một số hộ dân ở khu vực xung quanh cũng cho biết, cả tháng nay không thấy công ty hoạt động gì cả, đồ đạc đã được chuyển đi nơi khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ cuối năm 2009, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng đóng tiền mua nhà tại dự án Tricon Tower cho Công ty Minh Việt. Khách hàng sẽ phải đóng tiền theo định kỳ 3 tháng/lần, mỗi lần 20.000 USD. Theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, nếu khách hàng xuống 70% trị giá số tiền của căn hộ sẽ được giảm 5% (xấp xỉ 14.000 USD).
Theo nguyên tắc nội dung ký kết, Công ty Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31/12/2011, muộn nhất là ngày 30/6/2012. Tuy nhiên đến nay, dự án này mới hoàn thiện phần móng và xây thô tầng 2, hiện đã đắp chiếu” từ nhiều tháng qua.
Siêu dự án Gamuda ở Hà Nội giờ ra sao?
Từng được coi là khu đô thị tầm cỡ thế giới đầu tiên ở Hà Nội, đến nay chủ đầu tư dự án Gamuda City (Hoàng Mai, Hà Nội) đang mắc kẹt tại dự án này.
Được cấp phép từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD, Gamuda City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) của liên doanh Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) được xem là một trong những dự án đình đám nhất thời điểm đó.
Tuy nhiên, đến nay, phần lớn diện tích của hạng mục của khu đô thị này vẫn chỉ là những bãi cỏ xanh ngút, đúng như lời quảng bá của vị Tổng giám đốc Cheong rằng “mật độ xây dựng thấp chưa từng có”.
Hiện dự án mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 của Khu đô thị Gamuda Gardens được triển khai từ năm 2012. Giai đoạn 1 của Dự án gồm 364 căn nhà liền kề, biệt thự. Hiện các căn đã được triển khai đến phần nóc (tầng 3). Trong khi các hạng mục khác như khu câu lạc bộ, hệ thống cảnh quan, trường học vẫn chỉ đang được tiến hành và hứa hẹn sẽ được bàn giao đồng thời với thời điểm bàn giao nhà, dự kiến là cuối năm 2013.
Trong khi đó, dự kiến dự án Gamuda City phải đến 2019 mới hoàn thành. Với một dự án bất động sản kéo dài trong gần 10 năm (chưa tính yếu tố phát sinh) là quá dài và khó có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư, khách hàng.
Đi đòi nhà, khách hàng Petroland bị nhốt
Sáng 1/8, gần 30 người mua căn hộ Mỹ Phú (quận 7, TP HCM) kéo đến cao ốc Petro Tower yêu cầu doanh nghiệp giải trình tiến độ dự án nhưng đã bị khóa cứng tại sảnh thang máy tầng 7 của tòa nhà.
Dự án Mỹ Phú do Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Mỹ Phú làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) bán căn hộ từ năm 2010. Theo hợp đồng, thời hạn bàn giao căn hộ là tháng 6/2012 (được cộng trừ 3 tháng). Tuy nhiên, đến tháng 7/2013 dự án vẫn không nhúc nhích.
Bức xúc vì đã đóng từ 800 triệu đến 1,4 tỷ đồng (tương đương 70% giá trị căn hộ) nhưng chưa được giao nhà, sáng 1/8 hàng chục khách hàng kéo đến tòa tháp Petro Tower yêu cầu doanh nghiệp làm rõ tình trạng của dự án. Tuy nhiên, khi họ vào bên trong cao ốc này thì thang máy bị khóa. Lãnh đạo doanh nghiệp bận họp nên khách phải chờ ở sảnh thang máy đến tận trưa.
Hà Nội duyệt gần 5.000 tỷ đồng cho giãn dân phố cổ
Ngày 1/8, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.
Theo đó, mục tiêu của dự án là xây dựng khu nhà ở với quy mô 16 toà nhà cao 8 - 9 tầng cùng với hạ tầng xã hội - kỹ thuật phục vụ cho dự án.
Theo đề án, Thành phố sẽ di chuyển khoảng 6.500 hộ với 26.000 người tại các khu phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng, Long Biên.
Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án dự kiến 4.902 tỷ đồng, từ nguồn vốn giãn dân phố cổ đã được phê duyệt từ tháng 1/2013.
Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp cứu thị trường BĐS
Trước tình trạng một loạt dự án BĐS dở dang, gây mất niềm tin cho người mua nhà, Bộ Xây dựng đang đề xuất hỗ trợ theo hình thức: Người mua nhà được cùng chủ đầu tư quản lý dòng tiền đã nộp vào dự án.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, việc nhiều dự án BĐS dùng tiền mua nhà của khách hàng đầu tư dàn trải, bị thua lỗ, dẫn tới không còn tiền để tiếp tục xây dựng đã gây mất lòng tin nghiêm trọng cho khách hàng, khiến khách hàng không muốn tiếp tục nộp tiền cho chủ đầu tư.
Vì vậy, để khách hàng yên tâm là tiền mình nộp không bị chủ đầu tư mang đi làm việc khác, giải pháp đưa ra là khách hàng cần được trực tiếp giám sát nguồn tiền vào dự án để trực tiếp giải ngân cho từng hạng mục của công trình.
Để giải pháp này phát huy hiệu quả, Bộ Xây dựng cho biết, với tư cách là cơ quan thường trực của Chính phủ về quản lý nhà ở, Bộ sẽ có văn bản kiến nghị với các địa phương tạo cơ chế giúp người dân và chủ đầu tư có điều kiện tự thỏa thuận cùng triển khai tiếp dự án.
Hơn 1.000 người chen lấn nhau làm 350m đường
Ngày 13.7, Thành đoàn Hà Nội phối hợp cùng huyện Thạch Thất khởi công công trình tình nguyện “Đường thanh niên” tại xã Phùng Xá. Theo số liệu cung cấp cho các cơ quan báo chí, con đường có chiều dài 700m, rộng 5m, tổng giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng và được hoàn thành trong 3 ngày. Bà Nguyễn Thị Ngà – Bí thư Thành đoàn Hà Nội - cho biết: “Để đảm bảo việc sử dụng các nguồn lực về người và vật chất một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất. Công trình “Đường thanh niên” đã vận động 1.000 thanh niên tình nguyện thủ đô, cán bộ, chiến sĩ trẻ cùng dốc sức tham gia với sự đóng góp ngày công gần 3.500 lượt”.
Tuy nhiên, khi con đường này hoàn thành thì người dân xã Phùng Xá bàn tán xôn xao, bởi không biết cả ngàn thanh niên kéo về đây làm con đường này để làm gì. Thực tế hiện trường cho thấy, con đường này trước kia rộng 3m, nối từ khu dân cư ra ruộng của một số hộ dân, hết đường là xuống ruộng chứ không kết nối với đường nào. Sau khi có “dự án” mở rộng, huyện Thạch Thất đã mở rộng con đường thành 5m. “Cốt nền 5m đã làm sẵn. 1.000 thanh niên tình nguyện về đây chỉ làm nhiệm vụ tráng bêtông. Có 10 máy trộn bêtông chứ không phải trộn tay” – ông Nguyễn Tường Kha – Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá - nói.