02/11/2016 1:22 PM
Hầm đi bộ, cầu đi bộ là những công trình giao thông được kỳ vọng sẽ là giải pháp tối ưu nhất cho sự an toàn của nhóm người đi bộ. Tuy nhiên, dù được đầu tư hiện đại và tốn kém, nhưng người đi bộ vẫn đang bỏ quên một công trình giao thông dành riêng cho mình.
Tại Hà Nội, để đảm bảo cho sự an toàn của người đi bộ một cách an toàn, hiệu quả nhất, từ năm 2007-2008, UBND TP đã đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ, trong đó đường Vành đai 3 có 17 hầm, nội thành có 2 hầm (Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng – Đại Cồ Việt ) và 4 hầm ở nút giao đường 32 với đường 70. Cùng với hầm đi bộ, Hà Nội cũng đã xây dựng hơn 18 cây cầu đi bộ trên các tuyến phố như Trần Đại Nghĩa, Xuân Thủy, Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ…
Hầm đi bộ H1 được xây dựng đầu đường Phạm Văn Đồng (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)
Hầu hết hầm đi bộ, cầu đi bộ đều được xây dựng tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Chi phí xây dựng mỗi hầm đi bộ khoảng 150.000 đô la tương đương khoảng 3 tỷ đồng và chi phí xây dựng mỗi cầu đi bộ khoảng 7 tỷ đồng. Với số tiền rất lớn mà Nhà nước đầu tư thế này, trái với mong muốn quy hoạch hiệu quả làn đường đảm bảo an toàn cho người đi bộ, có vẻ như người đi bộ lại “thờ ơ” gán cho những công trình này với cái tên “con đường ngủ yên trong lòng đất và phía trên cao”.
Hầm đi bộ H1 đầu đường Phạm Văn Đồng “vắng như chùa bà đanh” vào giờ cao điểm buổi sáng.
Phần lớn các hầm đi bộ, cầu đi bộ hiện nay đều trở thành “của bỏ hoang”, ít người qua lại. Mặc dù được trang bị tiện nghi, hiện đại, không gian rộng rãi, xây dựng mái che, cầu thang đầy đủ nhưng người đi bộ vẫn chọn cách qua đường “truyền thống” mà lờ đi những công trình trên.
Cầu đi bộ trên đường Trần Đại Nghĩa vắng bóng người.
Lê Huy, sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Đi lên cầu đi bộ tốn thời gian với mệt lắm, băng qua đường nhanh hơn rất nhiều. Mình học ở đây 3 năm mà số lần đi lên cầu đi bộ này khéo chỉ đếm trên một bàn tay…”. Cũng như Huy, rất nhiều sinh viên ở khu vực đường Trần Đại Nghĩa, Đại Cồ Việt đều lựa chọn cách băng qua đường chứ không lên cầu đi bộ với lý do tốn thời gian và công sức, mặc dù cầu đi bộ ở rất gần.
Dù cầu đi bộ ở ngay trước mắt nhưng các bạn sinh viên vẫn lựa chọn cách qua đường “truyền thống”.
Cũng theo một số ý kiến, hầm, cầu đi bộ đang dần trở thành địa chỉ “tình thương” cho những người vô gia cư hoặc tiềm ẩn tai họa rình rập bởi những kẻ nghiện ngập, hút chích thường tụ tập. PV đã mục sở thị và nhận thấy một số hầm đi bộ trở thành chỗ để ngủ qua đêm của những người không có nhà hoặc những người buôn bán cần chợp mắt để sáng sớm bắt đầu công việc mới. “Tôi bán quán nước từ 8h mỗi ngày đến 3-4h hôm sau ở ngay cửa hầm, trời mưa rét, ngại đi xa nên tranh thủ chợp mắt dưới này 2 – 3 tiếng rồi lại lên bán tiếp” – ông Cao, người bán nước vỉa hè tâm sự.
Hầm đi bộ nút giao Đại Cồ Việt – Giải Phóng buổi sớm không có người đi bộ mà chỉ có một, hai người đang ngủ…
Chính vì ít người qua lại nên vệ sinh ở hầm đi bộ rất kém. Dù được sử dụng ở ngay trong chính nội thành nhưng hầm có chỗ bị ngấm nước, ẩm thấp, mùi khai bốc lên nồng nặc. Chị H (người thường dọn vệ sinh ở hầm đi bộ nút giao Đại Cồ Việt – Giải Phóng) cho biết: “Hầm cũng được vệ sinh 2 lần mỗi ngày, nhưng do ít người qua lại, nên thỉnh thoảng lại có người xuống để đi tiểu nên mùi khai cứ thế tích tụ, chân tường mốc đen. Người dọn, người phá như vậy làm sao mà sạch được”.
Chân tường ở hầm đi bộ nút giao Đại Cồ Việt – Giải Phóng chuyển màu đen do ẩm mốc.
Hầm đi bộ, cầu đi bộ là những giải pháp được kỳ vọng góp phần giảm bớt ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, những giải pháp ấy có đang thực sự bị lãng phí? UBND TP Hà Nội kết hợp với Sở GTVT cần rà soát lại để đưa ra những biện pháp quy hoạch thích hợp, hoặc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân trên địa bàn thành phố trong việc sử dụng hầm, cầu đi bộ, tránh trường hợp “của bỏ hoang” như các công trình giao thông trên.
Hải Linh Trần (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.