Chị Nguyễn Mai Hằng ở Cầu Giấy, Hà Nội kể, đầu năm 2017 có 10 tỷ đồng nhàn rỗi, chị đem đến một ngân hàng ở gần nhà gửi tiết kiệm. Đến nơi, được nhân viên của Phòng giao dịch tư vấn, với số tiền này nếu gửi theo hợp đồng đồng sở hữu tức là ghép với người khác để nâng tổng số tiền gửi lên cao thì lãi suất được hưởng sẽ cao hơn mức thông thường.
Ban đầu chị cũng thấy băn khoăn, không biết làm như vậy có đảm bảo không, nhưng sau khi được nhân viên ngân hàng khẳng định là mọi thủ tục pháp lý rất chặt chẽ, luôn phải có 2 người (đứng tên đồng sở hữu) cùng có mặt, ký mọi giấy tờ thì việc tất toán, hay thế chấp, chuyển đổi,... mới có hiệu lực. Nhân viên Phòng giao dịch cũng giới thiệu luôn một khách hàng sẵn sàng góp 10 tỷ đồng để gửi đồng sở hữu với chị.
Vì vậy, chị Hằng thấy yên tâm tin tưởng và thống nhất gửi kỳ hạn 6 tháng. Sổ tiết kiệm đứng tên hai người và người kia giữ, chị không biết có sổ. Đến hạn tất toán, cả hai cùng hẹn nhau tại Phòng giao dịch của ngân hàng và làm các thủ tục rất nhanh gọn, nhận tiền cả gốc lẫn lãi, không thiếu 1 đồng.
“Đến giữa năm 2018, tôi mang số tiền 5 tỷ đồng ra Phòng giao dịch này để gửi tiết kiệm. Nhân viên ngân hàng lại tư vấn nên gửi theo hợp đồng đồng sở hữu để hưởng lãi suất cao hơn. Cũng rất trùng hợp khi thấy khách hàng lần trước đang ở phòng giao dịch và tỏ ý sẵn sàng góp 5 tỷ đồng để đồng sở hữu với tôi thêm một lần nữa. Do đã tin nhau từ lần gửi trước nên tôi đồng ý ngay và cả hai lại thống nhất gửi kỳ hạn 6 tháng. Sổ tiết kiệm vẫn cô ấy giữ, cũng không nói với tôi”, chị Hằng kể.
Cách ngày tất toán khoảng một tháng, khách hàng gửi tiền chung với chị gọi điện nói có việc cần tiền gấp, nếu bây giờ làm thủ tục tất toán sớm thì không được hưởng lãi suất cao nên đề nghị chị đưa cô ta 5 tỷ đồng. Số tiền 5 tỷ đồng của cô ấy gửi chung trong sổ tiết kiệm sẽ thuộc về chị Hằng. Cả hai người cùng ra ngân hàng làm các thủ tục chuyển đổi.
Sau khi tham vấn ý kiến từ các nhân viên tại Phòng giao dịch của ngân hàng và được khẳng định hoàn toàn đảm bảo, chị Hằng đã đồng ý. Chị liền mang sổ đỏ nhà đi thế chấp, vay 5 tỷ đồng trao cho cô này, rồi làm các thủ tục chuyển đổi số tiền của cô tại ngân hàng sang tên chị.
“Tuy nhiên, tôi không hề biết có sổ tiết kiệm và cũng không được ai thông báo phải đòi lấy sổ. Đến kỳ hạn, tôi ra ngân hàng làm thủ tục tất toán thì được thông báo, sổ tiết kiệm của tôi đã được tất toán cho một khoản tiền khác tại ngân hàng này rồi. Tôi vô cùng ngạc nhiên và choáng váng bởi chỉ có gửi tiền, chứ không hề vay khoản nào cả. Vậy thì làm sao có chuyện số tiền gửi của tôi, lại có người dùng để tất toán cho một khoản vay khác được?”, chị Hằng lo lắng.
Sau khi nhờ các cơ quan chức năng giám định thì chữ ký ở các giấy tớ gửi tiền của chị với chữ ký vay tiền khác nhau. Cuối cùng, chị Hằng cũng hiểu ra là người đồng sở hữu với chị đã dùng sổ tiết kiệm cô ta giữ, ký giả tên chị để tất toán cho một khoản vay khác.
Cho đến nay kẻ lừa đảo này đã bị bắt, nhưng tiền thì chị Hằng vẫn chưa đòi được dù đã quá hạn hơn nửa năm. Chị mất rất nhiều lần đi lại, làm việc với ngân hàng, vô cùng mệt mỏi.
“Chỉ vì ham lãi suất cao, không cảnh giác mà ra nông nỗi này. Cũng không chỉ có tôi mà thời gian qua, một số khách hàng khác cũng là nạn nhân của kẻ lừa đảo như vậy. Chúng nhắm vào những người có khoản tiền lớn gửi tiết kiệm, ham lãi suất cao”, chị Hà khuyến cáo.
Những khách hàng gửi số tiền lớn cần thận trọng. Đừng vì thấy được trả lãi suất cao mà ham, tuyệt đối không giao sổ tiết kiệm cho người khác cầm dù họ có đưa ra lý do gì đi nữa bởi dễ mất như chơi.