Tụt dốc không phanh
Vina Megastar có thể coi là bằng chứng điển hình cho trái đắng từ thời kỳ người người, nhà nhà nô nức đầu tư BĐS. Nhà đất với những cơn sốt giá "nóng hổi" khiến không ít doanh nghiệp "thèm muốn", tìm đủ cách để kinh doanh ngoài ngành. Lạ thay, trong đó có nhiều công ty hoạt động trong những lĩnh vực khác biệt, chẳng liên quan gì đến đất đai, nhà ở như sản xuất bao bì, bánh kẹo, du lịch, dầu khí, viễn thông...
Bianfisco của đại gia Diệu Hiền vốn nổi tiếng trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu, nuôi hàng ngàn công nhân, làm ăn phát đạt cả chục năm qua. Nhưng doanh nghiệp này đã nhanh chóng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán với tổng các khoản nợ lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Đại gia này đã từng vướng vào 2 dự án tại chung cư Cao Thắng và dự án cao ốc Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM). Tuy nhiên, dự án chung cư Cao Thắng chỉ là dự án ảo, còn cao ốc Nguyễn Văn Trỗi sau khi đóng cọc móng đã bỏ hoang từ lâu. Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Diệu Hiền (cũng do bà Diệu Hiền làm giám đốc) cũng đầu tư xây dựng khu dân cư tại Khu đô thị Nam sông Cần Thơ (quận Cái Răng).
Ngoài ra, bà Hiền còn đầu tư Khu văn hóa - du lịch sinh thái Bình An tại Sóc Trăng từ năm 1998 nhưng sau vài năm hoạt động do ế ẩm, vắng khách nên hiện đã bỏ hoang... Với nhiều khoản đầu tư hoang phí, tràn lan, việc Bianfishco tụt dốc không phanh là điều khó tránh khỏi.
Lãnh đạo một ngân hàng từng chia sẻ, số doanh nghiệp đổ vỡ thời gian qua là do sử dụng vốn ngân hàng không đúng mục đích. "Ví dụ, vay hàng trăm tỷ với lý do làm thủy sản để trả tiền nông dân. Nhưng thực tế, doanh nghiệp dùng tiền đó đổ vào bất động sản, rồi không thu hồi vốn được nên vỡ nợ, vừa không trả được ngân hàng lại nợ nông dân. Tôi nói đùa, các anh làm thủy sản, anh mệnh thủy mà đi đầu tư vào thổ nên thua là đúng rồi", vị giám đốc này nói.
Một đại gia khác, Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, thương hiệu cà phê nổi tiếng với tổng tài sản lên tới gần 2.000 tỷ đồng, đi đầu trong lĩnh vực cà phê. Có thời điểm, lượng cà phê xuất khẩu của Thái Hòa chiếm tới 60% tổng lượng cà phê arabica xuất khẩu của cả nước.
Việc Thái Hòa thất bại không ngoại trừ lý do bất động sản. Doanh nghiệp này có tham vọng phát triển "nóng" và ham đầu tư ngoài ngành như lập hàng loạt công ty xây dựng và dự án ở Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị... đến khi bung bét do vay quá nhiều mà nguồn thu không đủ lớn và kịp thời để trang trải các khoản nợ đến hạn.
Ngay cả công ty bánh kẹo cũng đầu tư vào BĐS. Dự án Brigh City tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Cách đây không lâu, nhiều khách hàng mua nhà đã chăng băng rôn, khẩu hiệu đòi tiền, đòi nhà tại dự án này. Họ cho rằng chủ đầu tư không đủ năng lực nhưng vẫn lập dự án và thu tiền của khách. Bởi vậy, sau nhiều lần không đòi được tiền, không gặp được người đứng đầu công ty, khách hàng đã liên lạc với nhau cùng gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an.
Vừa qua, dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ngay khi thông tin được phát đi, rất nhiều khách hàng đã góp vốn mua nhà tại dự án này phản đối.
DN vận tải cũng liêu xiêu
Nhiều người biết đến Mai Linh chủ yếu hoạt động lĩnh vực vận tải taxi, hành khách, du lịch, thương mại, tuy nhiên đại gia trong lĩnh vực vận tải, taxi này cũng đã liêu xiêu khi đầu tư vào BĐS. Thê thảm tới mức, doanh nghiệp nổi tiếng này không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn mà phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người cho vay nhiều trở thành cổ đông trong công ty...
Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty, khẳng định vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực vận tải (chiếm đến 95%). Mai Linh không tham gia đầu tư bất động sản đơn thuần, mà đầu tư nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải. Tổng giá trị bất động sản dưới dạng văn phòng, nhà xưởng của Mai Linh riêng tại TP.HCM trị giá 500 tỷ đồng, còn tính gộp hệ thống cả nước khoảng 1.000 tỷ. Trong tình hình hiện nay, đặc biệt là thị trường bất động sản, chứng khoán đang rơi xuống đáy, Mai Linh không thể thoái vốn ngay trong một sớm một chiều.
Cũng trong lĩnh vực vận tải, CTCP Ô tô Trường Hải đã phải xin gia hạn nộp thuế. Nguyên nhân là do công ty đã rót gần 2.100 tỷ tiền mặt vào góp vốn/mua cổ phần tại các công ty bất động sản (chưa kể số tiền "tạm ứng mua đất" và "cho vay" cùng với mục đích này).
Năm 2012 là thời điểm Trường Hải mạnh mẽ dấn thân vào ngành bất động sản. Tổng cộng, riêng trong năm này, Trường Hải đã rót hơn 2.636 tỷ vào bất động sản, trong đó 356 tỷ là tiền cho vay. Trong đó, công ty chi 908 tỷ đồng để sở hữu 30% Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh và số tiền 1.102 tỷ đồng đã ứng trước cho CTCP Đầu tư Mai Linh (chủ đầu tư dự án Golden Palace trên đường Mễ Trì, Hà Nội) để mua cổ phần "của một công ty kinh doanh bất động sản".
Mới đây nhất, Đồng Tâm Group "cõng" các khoản vay nợ lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Quyết định dùng vốn ngắn hạn để đầu tư bất động sản với tham vọng sẽ là đầu ra cho các sản phẩm vật liệu xây dựng của lãnh đạo Đồng Tâm được giới phân tích cho là "lạc lối".
Cụ thể, năm 2009, Đồng Tâm Group đã ký hợp đồng hợp tác với các công ty con của Quỹ đầu tư VinaCapital để đầu tư vào 4 dự án gồm: Khu công nghiệp Long An, Cảng Long An, Khu dân cư Long An và Khu dịch vụ công nghiệp Long An. Năm 2012, Đồng Tâm Group ký hợp đồng nguyên tắc về việc nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, quyền mua cổ phần của các công ty nói trên từ VinaCapital Group với tổng giá trị hợp đồng lên tới 5.676 tỷ đồng.
Khó khăn lan rộng, sụp đổ dây chuyền là hậu quả của việc đầu tư BĐS theo đám đông. Nhiều DN đã nhận ra "quả đắng" khi tham gia đầu tư theo phong trào như vậy. Tình trạng phá sản khi đầu tư quá mức, chấp nhận rủi ro quá mức có thể là bài học đau đớn nhưng là cần thiết cho quá trình cải cách và hướng tới sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn.