24/12/2013 11:37 PM
Trong khi ngành sắt thép, gạch xây dựng vẫn khá ì ạch, thì xi măng, gạch ốp lát đã khởi sắc hơn.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Trong năm 2013, nhìn chung các DN ngành vật liệu xây dựng lớn trên cả nước đều đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù vậy, giữa các nhóm ngành vẫn có sự khác biệt lớn. Tình hình tiêu thụ hầu hết các loại vật liệu trong quý IV/2013 đều tăng khi bước vào dịp cuối năm, nhu cầu sửa chữa nhà cửa, hoàn thiện các công trình tăng lên và một số dự án đầu tư công lớn đã được khởi động. Tuy nhiên, tính cả năm, trong khi ngành sắt thép, gạch xây dựng vẫn khá ì ạch, thì xi măng, gạch ốp lát đã khởi sắc hơn”.

Với nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu thụ, Viglacera dự kiến sẽ về đích doanh thu 10.500 tỷ đồng trong năm nay

Xi măng về đích đúng hẹn

Ông Hoàng Trọng Kim, Phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong điều kiện tiêu thụ chưa hết khó khăn, một số đơn vị đã tìm được lối thoát, góp sức chung cho cả ngành xi măng “vượt bão” thành công trong năm 2013. Dự kiến, mức tiêu thụ khoảng 56 triệu tấn sản phẩm nằm trong tầm tay. Có thể thấy, sau cuộc chiến “đại hạ giá”, các DN đã thấy rõ hậu quả mất nhiều hơn được, nên đã điều chỉnh phương án kinh doanh phù hợp với đơn vị mình.

Đơn cử như việc tân Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng (VICEM) Trần Việt Thắng đã có những quyết định táo bạo và quyết liệt như tăng giá xi măng trong quý III/2014 khoảng 80.000 - 120.000 đồng/tấn, đồng thời tăng giá xuất khẩu clinker hơn 2 UDS/tấn. Dù tăng giá, nhưng với việc tăng cường bám sát thị trường, mở rộng khách hàng, VICEM đã tăng thị phần tiêu thụ từ 34% năm 2012 lên 37% năm 2013 và dự kiến là 40% thị phần trong năm 2014. Chiến lược đó cũng giúp VICEM có thêm thị phần ở một số khu vực khác như Trung Đông và châu Phi.

Sau khi được Viettel mua lại 70% cổ phần, Xi măng Cẩm Phả đang thực hiện tái cấu trúc tài chính và đã giảm lỗ đáng kể. Theo tính toán sơ bộ, năm 2013, Xi măng Cẩm Phả lỗ trên sổ sách 150 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ lỗ 60 tỷ đồng, do 90 tỷ đồng là tỷ giá chưa phân bổ.

Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc CTCP Xi măng Cẩm Phả cho biết: “Công ty đặt mục tiêu năm 2014 sẽ có lợi nhuận. Cùng với việc cơ cấu lại tài chính, hiện Xi măng Cẩm Phả đã chạy vượt công suất thiết kế và sang năm 2014, với việc cải tạo lò sẽ chạy được 6.300 tấn/ngày, thay vì 6.000 tấn/ngày như hiện nay. Công ty dự kiến tiêu thụ 1,7 triệu tấn xi măng và xuất khẩu khoảng 650.000 tấn clinker”.

Tại thị trường phía Nam, Xi măng FICO có kết quả kinh doanh vượt trội khi đến ngày 5/12 đã hoàn thành kế hoạch năm 2013 với tổng sản lượng tiêu thụ 1,7 triệu tấn, doanh thu 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận 50 tỷ đồng. Như vậy, trong 4 năm sản phẩm ra lò, FICO chưa bao giờ lỗ và đạt mức lãi lũy kế 100 tỷ đồng. Hiện FICO cũng là đơn vị duy nhất tại phía Nam có mức tiêu thụ tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm, trong khi các đơn vị khác ít nhiều sụt giảm.

Thép vẫn tiếp tục khó

Nếu như bức tranh tiêu thụ của ngành xi măng đã bớt ảm đạm thì ngành thép vẫn tiếp tục khó khăn, quan trọng hơn là hướng ra hữu hiệu vẫn chưa tìm thấy trên bình diện chung của ngành. Hiệp hội Thép thế giới ước tính: Tiêu thụ thép trong năm 2013 chậm lại ở mức tăng 3,2%, thay vì mức tăng 6,2% vào năm ngoái. Nguyên nhân được xác định là do nhu cầu tiêu thụ yếu đi tại Trung Quốc và tình trạng bất ổn kinh tế chung toàn cầu.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 11 - 12/2013, giá bán thép xây dựng giảm ở cả miền Bắc và miền Nam do sức tiêu thụ hạn chế, tồn kho đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đơn cử như từ ngày 4/11/2013, Tổng công ty Thép Việt Nam đã điều chỉnh giảm giá bán thép xây dựng với mức giảm 700 đồng/kg. Các công ty khác còn điều chỉnh giá bán ngay trong quý III/2013 để tăng lượng tiêu thụ.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2013 cả nước sản xuất được khoảng 5 triệu tấn và tiêu thụ hơn 4,6 triệu tấn thép. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, các DN đã xuất khẩu 2,5 triệu tấn thép và các sản phẩm về thép. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định: “Thị trường thép năm 2014, khả năng tiêu thụ sẽ không có gì đột biến, có thể chỉ tăng so với năm 2013 khoảng 2 - 3%.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, nếu tính tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm về thép thì có thể tăng, nhưng riêng thép xây dựng khó tăng, bởi thị trường xây dựng và bất động sản phục hồi yếu ớt. Các nhà máy sản xuất thép xây dựng hiện nay đa phần chỉ duy trì sản xuất, cầm cự qua thời gian khó. Đối với Thép Pomina cũng không ngoại lệ. Sang năm 2014, Công ty dự kiến tăng lượng xuất khẩu lên 30% để bù đắp chi phí cũng như khấu hao dây chuyền, chứ chưa tính đến chuyện có lãi.

Gạch xây dựng còn lắm gian nan

Chưa có số liệu thống kê chính xác về sản lượng tiêu thụ gạch xây dựng trong quý IV năm nay, nhưng theo đánh giá của một số DN thì sản lượng tiêu thụ cả năm sẽ sụt giảm so với năm ngoái. Tất nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung cũng xuất hiện những điểm sáng. Trong số những đơn vị về đích như cam kết, có thể kể đến Tổng công ty Viglacera với nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu thụ, cùng với việc cơ cấu lại các công ty con làm ăn thua lỗ. Do đó, trong 9 tháng đầu năm, Viglacera đã giảm đáng kể lượng hàng tồn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Viglacera cho biết: “Tổng công ty đặt mục tiêu xuất khẩu tới năm 2015 đạt 75 triệu USD, tương đương mức tăng 25%. Trong số doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2013 đã có 3.000 tỷ đồng từ sản xuất vật liệu và hoạt động xuất khẩu đạt 30 triệu USD. Tiêu thụ trong quý IV/2013 đã được cải thiện rõ rệt, nên tổng doanh thu trên mọi lĩnh vực của Viglacera sẽ đạt được con số 10.500 tỷ đồng như dự kiến từ đầu năm nay”.

Không riêng gì Viglacera, một số DN được xem là có thương hiệu mạnh trong lĩnh vực gạch xây dựng, gạch ốp lát như Đồng Tâm, CMC… cũng tăng doanh số bán hàng và chỉ tiêu lợi nhuận trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, trong lúc thị trường chứng kiến sự bám trụ bền vững của các DN lớn thì đa phần các DN sản xuất nhỏ vẫn đang chết dần chết mòn như: CTCP Sản xuất gạch và thương mại Đồng Tâm (Bắc Ninh) chỉ chạy 80% công suất, tương đương 14 - 16 triệu viên, giảm 4 - 6 triệu viên, giảm giá bán nhưng vẫn ế đến 4 triệu viên. Như vậy, lượng tiêu thụ chưa đạt 50% công suất thiết kế. Tương tự, Công ty TNHH Gạch tuynel Sông Đuống cũng chỉ tiêu thụ hơn 10 triệu viên và tồn kho ở mức 6 triệu viên.

Sở dĩ vào thời điểm cuối năm, gạch ốp lát tiêu thụ tăng là do nhu cầu sửa chữa nhà cửa, hoàn thiện công trình tăng lên, trong khi gạch xây dựng vẫn ế ẩm vì nhu cầu xây mới trong dân và cả các công trình vốn ngân sách không nhiều. Dự kiến, mức tiêu thụ 20 tỷ viên gạch trên cả nước trong năm 2013 sẽ khó về đích như kế hoạch đặt ra.

Trung Kiên (Đầu tư Chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.