Để xin dự án “tái định cư khẩn cấp”, Hà Tĩnh đã lập danh sách 66 hộ dân, tương ứng 66 lô đất, để trình Thủ tướng, nhưng sau đó chỉ cấp 14 lô đất, số còn lại rao bán. Nhiều hộ dân trong đê, hộ không bị ngập lụt cũng được đưa vào danh sách di dời khẩn cấp vì lũ lụt.

Hàng chục nghìn mét vuông khu "tái định cư khẩn cấp" bỏ hoang đã nhiều năm nay, sau khi rao bán không thành công, trong khi dân vất vưởng sống "chui" (ảnh: QĐ)

Di dời dân chưa xong, đã rao bán đất dự án

Ngày 18.7.2011, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kí văn bản số 2371 gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung: “Hiện nay, phường Trung Lương có 44 hộ đang định cư ngoài đê La Giang và 22 hộ dọc bờ sông Minh, sinh sống bằng nông nghiệp và đánh bắt thủy sản nằm trong vùng báo động cao, nhất là vào mùa mưa, bão;…

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án đầu tư quy hoạch khu tái định cư để di dời khẩn cấp các hộ dân phường Trung Lương ra khỏi vùng lũ với tổng mức đầu tư 89,4 tỷ đồng. Do điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn lại vừa bị thiệt hại do lũ lụt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng khu tái định cư (TĐC), di dời các hộ dân ra khỏi vùng lũ trước mùa mưa, bão năm 2011”.
Chuyện lạ ở Hà Tĩnh: Lập dự án di dời dân khẩn cấp rồi rao bán đất nền ảnh 1
Tỉnh Hà Tĩnh lập danh sách 66 hộ dân cần di dời khẩn cấp để trình Thủ tướng Chính phủ xin dự án, nhưng sau đó chỉ cấp 14 lô đất, số còn lại để rao bán. (ảnh: QĐ)

Trong danh sách 66 hộ dân kèm theo tờ trình nói trên, có khoảng chục hộ dân nhà nằm ven QL1A, đã xây dựng kiên cố, đất có giá trị sinh lợi lớn. Nhiều hộ có tên trong danh sách “di dời vì lũ lụt” tỏ ra ngạc nhiên, vì không có nhu cầu, và không được trao đổi, họp hành gì về dự án.

Hộ Nguyễn Thị Sâm (bà Sâm Trung), ở khối 9, có tên trong danh sách di dời vì lũ lụt, nhà nằm ven chân núi, bên QL1A. “Nếu nước ngập đê, thì nhà tôi mới bị lụt”, bà Sâm cười. Bà cũng cho biết không hề biết chuyện bản thân được phường “quan tâm” đưa vào diện di dời vì lũ lụt.

“22 hộ ven sông Minh cũng vậy, họ đã ở trong đê, nên cũng như cả vùng đồng bằng, họ không có nhu cầu di dời vì lũ lụt”, một người dân khối 9, phường Trung Lương cho hay.


Hộ Nguyễn Thị Sâm (khối 9), nhà ở chân núi, nhưng vẫn được đưa vào danh sách "tái định cư khẩn cấp" vì bão lụt (ảnh: QĐ)



Được chấp thuận cấp vốn để thực hiện dự án, với mục đích di dời 66 hộ dân, tương ứng với 66 lô đất, nhưng sau đó, UBND thị xã Hồng Lĩnh chỉ cấp 14 lô đất cho 23 hộ dân. Sở dĩ có điều “tréo ngoe” này là vì, họ cho rằng “các hộ ở chung với nhau”.

Khi lập danh sách trình Chính phủ để xin kinh phí làm dự án, thì họ tách riêng ra từng hộ gia đình; nhưng có dự án rồi, lại cấp đất theo kiểu “hộ gộp”, để thừa ra nhiều lô đất.

Trong khi dân sống khốn khổ, chật chội, có gia đình 3 thế hệ, 3 hộ với hàng chục khẩu được “nhồi nhét” vào một mảnh đất 170 m2, thì hàng chục ngàn m2 đất dự án, đã được UBND thị xã Hồng Lĩnh “bật đèn xanh” cho UBND phường Trung Lương rao bán.

Dân khốn khổ, ôm nợ vì dự án

Bà Đậu Thị Thương có 3 hộ gia đình, đã tách khẩu (gồm bà, con trai Nguyễn Văn Lệ và vợ cùng 4 con; con trai Nguyễn Văn Chiến cùng vợ và 2 con), ở trên mảnh đất rộng khoảng 400 m2, mua từ năm 1987.

“Chúng tôi sống ở đây bình thường, không có đơn thư, hay kiến nghị xin di dời vào trong đê. Nhưng cán bộ đến, nói có chủ trương di dời vào trong. Tôi nói bây giờ ba mẹ con, ba gia đình, vào trong đó chỉ được mảnh đất 200 m2 thì sinh sống thế nào. Cán bộ nói cứ vào đi đã, đất đai các con tính sau”, bà Thương nói.

Cầm cự mãi không được, bà Thương đành phải chấp nhận di dời. Vào đất mới, chỉ được hỗ trợ 20 triệu, bà phải vay mượn hàng trăm triệu làm nhà, đến nay chưa trả hết.

Chồng là Nguyễn Văn Lệ bị ung thư qua đời, chị Thuần ôm 4 đứa con ra ở “chui” trên nhà của mẹ chồng, bị chủ đất đuổi lên đuổi xuống.

“Họ đuổi em rất nhiều lần; rồi chốt cửa sắt không cho vào. Nhưng mẹ con em không biết ở đâu nữa”, chị Thuần kể.


Hộ Trần Văn Ninh, có tên trong danh sách 66 hộ cần "tái định cư khẩn cấp" nhưng không được cấp đất, đành sống "chui" trong... nhà mình ở ngoài đê, vì toàn bộ đất vùng này đất đã được UBND TX Hồng Lĩnh cho tư nhân thuê làm dự án. Ảnh: QĐ.

Ông Đậu Văn Thuận, có mảnh đất khoảng 500 m2, mua lại và ở từ năm 1989. Ông đã làm nhà cửa kiên cố. Mặc dù không có nhu cầu di dời vào trong đê, nhưng vì cán bộ nói đây là “chủ trương chung”, nên ông đành phải chấp nhận. Vào trong vùng dự án mới, 3 hộ, 3 thế hệ, với hàng chục nhân khẩu nhà ông Thuận chỉ được cấp 170 m2. Ông phải vay hàng trăm triệu làm nhà. Nay ở chật chội, vườn tược không có, lại còn ôm nợ vì làm nhà. “Tôi có xin thêm mấy mét đất để làm nhà cho mẹ họ cũng không cho. Nói thật, vào đây, gia đình tôi khổ hơn ở ngoài đê”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, khi phổ biến dự án, cán bộ cho biết người dân vào dự án sẽ được cấp 200 m2, nhưng nay chỉ được 170 m2.

Một điều "lạ" nữa, là vùng đất cần "di dời khẩn cấp" có nghĩa là vị trí bị thiên tai đe doạ thường xuyên, không thể sử dụng được. Nhưng sau khi ép dân vào phía trong, UBND phường Trung Lương lại ráo riết buộc dân tháo dỡ nhà cửa, chặt hạ cây cối, để giao đất cho tư nhân làm dự án?


Ông Trần Văn Ninh cho biết: Mấy chục năm sinh sống ở đây, dân không thấy có hiện tượng sạt lở đất; còn lũ lụt thì cả vùng ngoài đê gồm nhiều xã với hàng nghìn hộ dân đều chịu chung. Dân khối Tuần Cầu không sợ lụt vì ở gần đê. Sống ở đây mát mẻ, đất đai phì nhiêu do phù sa bồi đắp, bà con có vườn tược trồng trọt, chăn nuôi. (ảnh: QĐ)

Lập danh sách di dời không khảo sát nhu cầu người dân

Ông Nguyễn Duy Đăng, Chủ tịch UBND phường Trung Lương thừa nhận, khi phường lập danh sách 66 hộ cần di dời đã không trực tiếp khảo sát nhu cầu của người dân, mà chỉ lập danh sách thực tế những hộ đó sống ở vùng trũng thấp, dễ bị ngập lụt, nên sau này họ không có nhu cầu về ở TĐC.

Ông Lê Văn Bình - PCT UBND thị xã Hồng Lĩnh, thừa nhận có việc rao bán đất dự án “tái định cư khẩn cấp” là có, và - cho biết, sau đó thấy việc bán là bất cập, sai mục đích, sai đối tượng nên đã dừng lại.

Giải pháp cho 42 lô đất còn lại ở TĐC đang bỏ hoang, theo ông Bình, là sẽ chờ khi nào những hộ dân còn lại trong số 66 hộ đã lập danh sách trước đây có nhu cầu về TĐC thì sẽ cấp. Còn những hộ không nằm trong danh sách dù có nhu cầu cũng không thể cấp vì nếu cấp sẽ không đúng đối tượng.


Quang Đại - Trần Tuấn (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.