Hiện trường vụ cháy chung cư CT4 Khu đô thị Xa La (Hà Nội) xảy ra năm 2015. Ảnh: Hải Nguyễn
Tuy nhiên, trước yêu cầu chính đáng của nhiều cư dân chung cư, UBND TP.Hà Nội lại xin hạ chuẩn cho các chung cư không thể khắc phục. Điều này, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng - cho rằng, chính quyền đang tìm cách né tránh trách nhiệm cho sự quản lý yếu kém của mình.
15 chung cư bất lực về PCCC
Ngày 30.3, Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cho biết, dù đã yêu cầu các chủ đầu tư các chung cư cao tầng trên địa bàn khắc phục tồn tại về PCCC xong trước ngày 28.2 nhưng đến cuối tháng 3.2018, trên địa bàn TP vẫn còn 31 chung cư chưa khắc phục xong. Trong số 31 chung cư nêu trên, có 15 chung cư khó có khả năng khắc phục hoàn toàn những tồn tại.
Những chung cư này chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hà Đông (5 chung cư), quận Long Biên (3 chung cư); các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân mỗi quận có 2 chung cư; các quận Đống Đa, Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì mỗi địa phương còn 1 chung cư. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư có đến 3 công trình tại Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) gồm: Trung tâm thương mại và căn hộ chung cư, chung cư CT2 và chung cư CT4.
16 chung cư còn lại được đánh giá có khả năng khắc phục tồn tại. Cơ quan Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn và các chủ đầu tư đang tổ chức thực hiện. Sau khi các công trình trên hoàn thành khắc phục tồn tại ở hạng mục vi phạm nào, lực lượng phòng cháy, chữa cháy sẽ nghiệm thu hạng mục đó.
Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội, với những công trình chung cư khó có khả năng khắc phục hoàn toàn những tồn tại, Cảnh sát PCCC đã tham mưu UBND TP và làm việc với Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) thống nhất việc áp dụng các biện pháp khắc phục thay thế. Nếu các chủ đầu tư vẫn vi phạm, Cảnh sát PCCC TP sẽ chuyển hồ sơ đến Công an TP để xử lý theo quy định.
Hiện có ba công trình cố tình trây ỳ không thực hiện khắc phục tồn tại là: Chung cư CT4 Văn Khê tại Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê (Hà Đông) do Cty CP Sông Đà 1 làm chủ đầu tư; Chung cư CT5 AB Văn Khê và CT6 Văn Khê (cùng ở phường La Khê, Hà Đông) do Cty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư. Cơ quan Cảnh sát PCCC đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội xem xét, điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Ảnh: T.L
Trốn tránh trách nhiệm
Trước thực trạng trên, UBND TP.Hà Nội đề nghị hạ chuẩn phòng cháy cho 15 công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng có vi phạm các quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn PCCC hiện hành.
Theo giải thích của UBND TP.Hà Nội, trước năm 2011, ý thức chấp hành pháp luật PCCC của chủ đầu tư còn yếu kém, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định, cấp phép xây dựng, thẩm duyệt thiết kế PCCC hạn chế. Nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện yêu cầu về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC, thiết kế thang bộ thoát nạn, hệ thống chống tụ khói công trình.
Trao đổi với PV Lao Động về việc UBND TP.Hà Nội xin hạ tiêu chuẩn PCCC cho các chung cư vi phạm, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nói thẳng, đây là việc làm thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền Hà Nội.
Theo TS Liêm, khi chính quyền cho phép xây toà chung cư thì ngay đã phải phê duyệt thiết kế về PCCC. Khi xây dựng thì phải giám sát chủ đầu tư thực hiện việc này, phải nghiệm thu PCCC trước khi dân vào ở. Và với những chung cư không đủ tiêu chuẩn thì phải khắc phục, như tăng cường thiết bị PCCC, xây thêm lối thoát hiểm… chứ không thể nói hạ tiêu chuẩn.
“Vậy nếu hạ tiêu chuẩn mà xảy ra cháy nổ thì ai chịu trách nhiệm? Điều này là khó chấp nhận” - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đặt câu hỏi.