Hai khu tập thể có lối đi riêng vào ngõ 96 phố Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
Khẳng định "đất ở" khu tập thể
Bà Trần Thị Tính – Nhà số 6 khu tập thể ngõ 96 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An cho biết: Nhà nghỉ Quảng Bá, xã Quảng An, huyện Từ Liêm (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ) được xây dựng từ những năm 1960. Trong đó, đặc biệt 2 khu tập thể được xây dựng cùng thời gian với nhà nghỉ Quảng Bá. Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhà ở cho cán bộ công nhân viên, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã có văn bản ủy nhiệm và giao quyền cho Giám đốc nhà nghỉ Quảng Bá, Công đoàn nhà nghỉ Quảng Bá và Hội đồng phân phối nhà để xếp, phân phối nhà ở cho cán bộ công nhân viên nhà nghỉ.
Theo đó Khu tập thể nhà nghỉ Quảng Bá (nay là Công ty TNHH Nhà nước MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội) đã tiến hành xây dựng, đồng thời phân phối trực tiếp cho 12 cán bộ công nhân viên của nhà nghỉ “để ở”. Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô xây 12 căn nhà và phân phối cho cán bộ công nhân viên của bệnh viện “để ở”. Sau đó, 6 cán bộ công nhân viên của bệnh viện chuyển đi nơi khác, bệnh viện bàn giao cho nhà nghỉ Công đoàn Quảng Bá, để phân phối cho 6 cán bộ công nhân viên của nhà nghỉ.
Bà Tính khẳng định khi được phân phối nhà, 24 hộ gia đình đều có Quyết định rõ ràng về việc phân nhà, xếp nhà tại 2 khu tập thể trong ngõ 96 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ của hai cơ quan là nhà nghỉ Công đoàn Quảng Bá và Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô.
Đáng nói hơn là kể từ năm 1996 đến nay, các hộ dân sinh sống tại 2 khu tập thể không chịu sự quản lý của nhà nghỉ Quảng Bá và Bệnh viện Hữu Nghị nữa, thay vào đó 24 hộ gia đình tự quản lý diện tích nhà, đất của mình, mọi việc quản lý hành chính người dân đều liên hệ thẳng với chính quyền địa phương. Cũng từ năm 1996, khu dân cư nơi đây đã được chính quyền sở tại tổ chức đánh số nhà, tên ngõ 96 phố Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Cùng với đó khu đất bố trí làm 2 khu tập thể có khuôn viên độc lập, có tường ngăn cách, có lối đi riêng, tách biệt khỏi khuôn viên Công ty, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, không che chắn mặt tiền Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội. Hai khu tập thể cũng không thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh Công ty nói trên.
Sau nhiều năm sử dụng, 2 khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vì vậy, nhân dân đã có đơn xin phép chính quyền địa phương đập nhà cũ để xây lại nhà mới. Đến nay, khi đã cải tạo xong 24 hộ liên tục có đơn đề nghị các cơ quan chức năng được các làm thủ tục mua nhà và xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, nguyện vọng chính đáng này của bà con nhân dân sinh sống trong khu tập thể vẫn chưa thực hiện được.
Cần xem xét quyền lợi người dân
Ông Phan Sỹ Thảo – Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội cho biết: Người dân sinh sống trong hai khu tập thể ngõ 96 phố Tô Ngọc Vân, phường Quảng An đã gửi đơn thư nhiều năm đến các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội phản ánh vấn đề trên. Tuy nhiên, theo ông Thảo việc người dân kiến nghị đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có quy định của pháp luật.
Về mặt quản lý Nhà nước hiện Công ty TNHH Nhà nước MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội tiền thân Nhà nghỉ Quảng Bá, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chỉ là đơn vị đứng ra quản lý sử dụng đất theo Hợp đồng thuê đất đã ký với Sở Địa chính thành phố Hà Nội (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nôi) mọi vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng, bán nhà theo Nghị định 61/NĐ-CP của Chính phủ đều do các cơ quan chức năng Trung ương và UBND thành phố Hà Nội quyết định.
Sống ổn định trong khu tập thể ngõ 96 Tô Ngọc Vân hơn 40 năm, nhưng đến 24 hộ dân tại đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ
Qua tìm hiểu, được biết ngày 5/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 61/NĐ-CP về việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 4/3/1996, Bộ Xây Dựng ban hành Thông tư số 01/BXD-QLN hướng dẫn việc chuyển giao nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Tiếp đó ngày 27/8/1997, Sở Nhà đất Hà Nội ban hành văn bản số 2309/NĐ-TNBN về việc chuyển giao quỹ nhà ở tự quản của các cơ quan, đơn vị sang ngành nhà đất quản lý và bán theo Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ, gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Lã Mộng Huy – 68 tuổi khu tập thể trong ngõ 96 Tô Ngọc Vân cho biết: Thay vì bàn giao khu tập thể cho Sở Nhà đất Hà Nội thì ngày 8/12/1997, Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội lại kê khai diện tích đất của 2 khu tập thể, gộp vào diện tích của Công ty. Cụ thể như sau: Diện tích đất sử dụng vào mục đích chính là 27.225 m2. Diện tích đất sử dụng vào mục đích khác, trong đó chia cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở, "đất ở" (2 khu tập thể) là 3.345 m2.
“Như vậy, gần như trong tất cả các văn bản, công văn, tài liệu, Quyết định giao, phân phối nhà, sổ hộ khẩu... thậm chí ngay trong tờ khai sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội đều khảng định khu vực 24 hộ dân đang sinh sống là “Khu tập thể” là khu vực đất “để ở” không thuộc vào phần đất kinh doanh. Nhưng không hiểu vì sao quyền lợi người dân sinh sống ổn định tại đây xin được mua nhà theo Nghị định 61/NĐ-CP của Chính phủ vẫn không được đáp ứng ?” – Ông Huy đặt câu hỏi.
Mặt khác, 2 khu tập thể trong ngõ 96 Tô Ngọc Vân được xây dựng trên phần đất của “Liên hiệp Công đoàn Hà Nội” do Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội (cũ) ủy nhiệm sử dụng từ những năm 1959 – 1960 của thế kỷ trước. Thế nhưng, sự ủy nhiệm đó không còn hiệu lực đối với 2 khu tập thể nói trên kể từ khi có Nghị định 61/NĐ-CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ. Vì khu tập thể là nhà ở, "đất ở" thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Trong đó, riêng 6 hộ thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô mặc dù có Quyết định phân nhà của Bệnh viện, nhưng vẫn bị liệt vào diện nhà xây trên "đất mượn" của Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội.