Nhà quản lý cần quyết liệt và có tư duy mới để hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường mới của Thủ đô Hà Nội hiện nay. (Ảnh: TL)
Thực tế đã có nhiều thành phố thực hiện quy hoạch tốt như Đà Nẵng, Bình Dương nhưng tại sao Hà Nội “không chịu” học hỏi? Và nếu không quyết liệt thì trong tương lai, vết ố từ công tác hậu quy hoạch của thành phố sẽ rất khó có thể gột sạch được
Bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng
Đây là thực tế dễ trông thấy, sau nhiều năm Hà Nội “gồng mình” với “chiến dịch” xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Chuyện về bức tường bạc tỷ trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài của gia đình ông Nguyễn Phương Châm (Quan Hoa – Cầu Giấy) không phải là câu chuyện mới, song một lần nữa đã khiến các nhà quản lý thấy được bài học đắt giá sau công tác giải phóng mặt bằng thiếu khoa học. Một bức tường cũ nát bỗng trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn mạng khi nó được làm giá “đắt khét”, quả là chuyện xưa nay hiếm!
Chủ “bức tường vàng” lý giải, với diện tích 62m2, sau khi mở đường, gia đình bị thu hồi 58,5 m2, diện tích còn lại 1,7 m2 có giấy tờ đầy đủ thì nghiễm nhiên, đây vẫn là phần đất của ông và ông có quyền giao giá. Chung tình trạng ấy, nhiều bức tường khác cũng liên tiếp được dựng lên bằng việc quây tôn, chất gạch… như một lời “thách đố” các cơ quan chức năng.
Các chuyên gia cho rằng, thực tế khó có thể thu hồi phần đất còn lại của các gia đình này, bởi sau giải phóng mặt bằng, xét về nguyên tắc, đất này thuộc quyền sở hữu của dân và họ không xây nhà mà chỉ có bức tường. Như vậy, khó có thể gọi là nhà siêu mỏng, siêu méo để có thể thu hồi.
Còn nhớ, năm 2014, sau chuyến thị sát của Bí thư Thành Uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, vấn đề xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo như được sôi lên với những hứa hẹn sẽ được xử lý đến nơi, đến chốn. Tại thời điểm ấy, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cả thành phố hiện còn khoảng gần 200 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo cần được xử lý. Vậy nhưng, sau một năm, con số thống kê về dạng nhà này vẫn ở mức ngất ngưởng do có sự nhân lên của những tuyến đường. Kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội mới đây cho thấy, Hà Nội còn 174 trường hợp mỏng, méo còn tồn tại từ nhiều năm trước và hơn 400 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới xuất hiện trên các tuyến đường mới như Kim Mã – Trần Phú, Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Thanh Nhàn…
Năm 2006, UBND Thành phố Hà Nội đã có quy định cụ thể với những lô đất có diện tích dưới 15m2, chiều rộng mặt đường hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng hơn 3m sẽ không được xây dựng. Thế nhưng, con số nêu trên đã cho thấy, nhà quản lý dường như không thể thực hiện được.
“Không chịu” làm mới
Thực tế cho thấy, mọi sai phạm, hạn chế đều có thể xử lý được, nếu nhà quản lý chịu làm mới, thay đổi và có những tư duy chiến lược trong quy hoạch đường xá, đô thị như cách làm của TP. Đà Nẵng hiện nay.
Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Ban QLDA T26 (Văn phòng TW Đảng) cho biết: Tại Đà Nẵng, việc quy hoạch đô thị luôn được coi là vấn đề trọng tâm. Căn cứ theo Quyết định 19/2006/QĐ-UBND ngày 10/3/2006 của UBND Thành phố Đà Nẵng về việc Ban hành Quy định về quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, việc quy hoạch đường xá phải được tính toán theo mật độ dân số và cảnh quan đô thị phù hợp. Nếu mở rộng một tuyến đường 35 m thì diện tích phải giải tỏa sẽ được lấy lên gấp đôi để sau khi mở đường, diện tích còn lại sẽ được phân lô để bán cho người dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng, Thành phố cũng sẽ có những cơ chế ưu đãi cho các hộ dân như: được bố trí nơi ở khác, nếu trong gia đình có nhiều thế hệ sẽ được bố trí 1 lô đất trên chính phần đường đang mở với giá ưu đãi (chỉ bằng 50% giá trị hiện tại), số còn lại sẽ được bố trí phân lô trên các trục đường phụ khác.
Nhằm đảm bảo sự đồng bộ, Sở Xây dựng cũng sẽ quản lý việc đảm bảo nhất quán trong việc quy định số tầng, độ vươn của ban công hay màu sắc của từng nhà trên các tuyến phố… Những việc làm thiết thực này đã đưa Đà Nẵng trở thành thành phố kiểu mẫu về vấn đề quy hoạch, tạo nền tảng để nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách thế giới.
Trở lại với Thủ đô Hà Nội, thành phố còn nhiều khó khăn trong việc xử lý triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Thực tế cho thấy, bộ mặt Thủ đô có sáng đẹp được như Đà Nẵng hay Bình Dương thì Hà Nội cần phải có những nhà quy hoạch có tầm, có tâm, thậm chí sẵn sàng làm một cuộc cách mạng để thay đổi lề lối cũng như những tư duy kiến trúc vốn đã lạc hậu.
Hiến kế trong việc hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo, TS.Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chia sẻ: Để hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, chúng ta nên học hỏi cách làm của Thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, để mở rộng 50m đường thì ngoài việc lấy từ tim vào mỗi phía 25m, người ta có thể lấy thêm về mỗi phía 25m nữa. Phần 25m ấy sẽ được thiết kế đô thị, kiến trúc bài bản và đem đấu giá. Như vậy, không những chỉ giải quyết vấn đề siêu mỏng, siêu méo mà còn góp phần thêm khang trang cho bộ mặt đô thị hiện nay.
Mặt khác, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009 đã nêu rõ, việc lập quy hoạch chi tiết trục đường mới trong đô thị phải đảm bảo yêu cầu về phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 mét mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến; khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường; nghiên cứu không gian kiến trúc, hình khối công trình, khoảng lùi của các công trình cụ thể, bảo đảm tăng cường tính chỉnh thể và tính đặc trưng của khu vực. Tuy nhiên, khi thực hiện đầu tư xây dựng những tuyến đường mới, quy định này gần như bị “bỏ ngoài tai”?
Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, trong tương lai, Hà Nội sẽ còn rất nhiều những tuyến đường mới tiếp tục được mở ra, việc thay đổi tư duy, cách làm trong quy hoạch đô thị cần phải được bổ sung, điều chỉnh. Nếu chỉ biết mà không làm, sai không sửa thì vệt ố trong công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch đô thị sẽ mãi chỉ là những bài toán, những “bản án” khó có thể đặt lời kết.
-
Không dễ thu hồi nhà siêu mỏng, siêu méo
Thửa đất, đúng hơn là một bức tường, vì có diện tích 1,7m2, rộng 10,08m, sâu… 14cm nằm trên trên đường Nguyễn Văn Huyên (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) đang được chủ nhà rao bán với giá hơn 1 tỉ đồng vì có vị trí mặt tiền. Trên những con đường ngàn tỉ vẫn có những cái được gọi là nhà siêu mỏng, siêu méo như vậy.
-
Bức tường tiền tỷ ở Hà Nội làm “nóng” giải phóng mặt bằng
Bức tường tiền tỷ ở Hà Nội là hệ lụy của việc kẻ 2 đường thẳng để giải phóng mặt bằng, làm phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo.
-
Hà Nội: Phát sinh hơn 400 nhà siêu mỏng, siêu méo
Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu cho phép Hà Nội được tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng của chính quyền tại các quận nội thành
-
Hà Nội luẩn quẩn với xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
Những bất cập trong quản lý trật tự xây dựng nên nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đua nhau dựng lên.