Trên địa bàn thủ đô Hà Nội, nhiều dự án bãi đỗ xe bị biến tướng thành nhà hàng, quán ăn, siêu thị…vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?

“Phù phép” dãy đất vàng trên đường Nguyễn Khánh Toàn

Đi dọc phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đoạn từ phố Dương Quảng Hàm đến đường ven sông Tô Lịch, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê, giải khát, siêu thị điện máy, karaoke, cửa hàng ăn nhanh… hoạt động nhộn nhịp. Tại các khu đất trống bên cạnh là những hàng quán tạm bợ với mái tôn, mái bạt, khung sắt, bàn, ghế nhựa… Không thể nhận ra nơi đây vốn được quy hoạch làm bãi đỗ xe.

Được biết, dự án cống hóa mương Nghĩa Đô xây dựng bãi đỗ xe phố Nguyễn Khánh Toàn được Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ thuê với diện tích hơn 14.000m2 để thực hiện kết hợp làm bãi đồ xe và công trình dịch vụ phụ trợ.

Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô xây dựng bãi đỗ xe bị "phù phép" thành nhà hàng, quán ăn.

Giấy chứng nhận đầu tư do UBND thành phố Hà Nội cấp nêu rõ, nội dung dự án là cống hóa mương, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng thoát nước và xây dựng bãi đỗ xe cho khu vực với diện tích triển khai 14.140 m2 nằm trên địa bàn phường Quan Hoa. Trong đó, 12.950 m2 đất được quy hoạch làm bốn ô, xây dựng bãi đỗ xe ngoài trời, nhà đỗ xe cao tầng, khu kỹ thuật, nhà điều hành, nhà bảo vệ và khu sân vườn cây xanh; 1.190 m2 còn lại để làm đường theo quy hoạch.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên toàn bộ khu đất này hiện chỉ có ba điểm trông giữ xe, với tổng diện tích khoảng 3.000 m2; phần còn lại bị tận dụng để kinh doanh các loại hình khác.

Phố ăn uông "vô tư" tồn tại trên đất quy hoạch làm bãi đỗ xe.

Theo quan sát, tại ô đất số 1 với diện tích 3.704m2 (cấp phép để xây dựng nhà để xe và dịch vụ phụ trợ quy mô 2 tầng và sân đỗ xe ngoài trời) nhưng hiện nay được sử dụng làm salon ô tô của hãng Honda, Yamaha, chợ cóc. Tại ô đất số 2, có diện tích 2.324m2 hiện là nơi kinh doanh nhà hàng cà phê, salon làm đẹp, cửa hàng KFC, quán bia Vuvuzela...

Tại ô đất số 3 được phê duyệt là khu cây xanh nhưng hiện nay lại được xây dựng thành bãi đỗ xe ngoài trời và nhà 1 tầng cho thuê. Tại ô đất số 4 được phê duyệt có chức năng là bãi đỗ xe máy, ô tô ngoài trời; nhà đỗ xe và dịch vụ số 3 nhưng hiện nay khu này biến thành một khối nhà 1 tầng có kết cấu tường gạch, vách kính, bê tông cốt thép cho thuê và chợ tạm ngoài trời…

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao hàng loạt nhà hàng lớn, quán cà phê hoành tráng được xây dựng, tồn tại trên đất quy hoạch làm bãi đỗ xe nhiều năm mà vẫn qua mắt được lực lượng Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy và cơ quan chức năng. Trong khi đó, đại diện quận Cầu Giấy lại khẳng định, quận vẫn thường xuyên xử lý các công trình sai phép.

Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe bị biến tướng

Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe (đoạn từ phố Linh Lang đến đường Liễu Giai) được thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đa quốc gia, nhằm cống hóa, giảm ô nhiễm môi trường và làm điểm đỗ xe, giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ ở khu vực.

Theo đó, diện tích hơn 6.000 m2 đất thuộc địa bàn phường Cống Vị, quận Ba Đình, được chia làm ba ô: ô số 1 và 2 để làm bãi để xe ô tô với tổng diện tích hơn 1.800 m2, ô số 3 rộng khoảng 4.200 m2 vừa làm bãi để xe ô tô vừa làm dịch vụ phụ trợ như: nhà rửa xe, bảo dưỡng xe.

Dự án cống mương hóa Phan Kế Bính làm bãi xe bị biến tướng thành phố kinh doanh.

Tuy nhiên, mượn “mác” lãm bãi đỗ xe, chủ đầu tư đã sử dụng phần lớn diện tích để cho thuê làm các dịch vụ khác. Cụ thể, khu đất từ phố Liễu Giai đến phố Nguyễn Văn Ngọc với tổng diện tích khoảng 4.000 m2 được công ty này xây dựng các công trình và cho thuê làm nhà hàng hải sản, siêu thị, trường mầm non, văn phòng công ty, cửa hàng thời trang… Trên phần đất còn lại, có gần 1.300 m2 vẫn còn quây rào, chưa đưa vào khai thác và chỉ có một phần diện tích rất nhỏ, khoảng 530 m2 được sử dụng làm bãi trông giữ xe ngoài trời.

Đại diện quận Ba Đình cho biết, dù dự án được quy hoạch làm điểm đỗ xe nhưng Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội lại cấp giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh tại địa điểm đó, khiến cho quận khó xử lý sai phạm.

Trước thực trạng trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao những dự án xây dựng bãi đỗ xe bị biến tướng nghiêm trọng như vậy lại có thể tồn tại nhiều năm nay? Số tiền khổng lồ từ việc cho thuê mặt bằng tại các điểm "đất vàng" này đang “chảy” về đâu?

Đề nghị UBND thành phố cần chỉ đạo phá dỡ các công trình sai mục đích, trả lại đúng mục đích cho dự án như dự án đỗ xe sau cống hoá mương Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), Phan Kế Bính (Ba Đình).

Nguyên Khang (GĐ&PL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.