Với mục đích giảm thời gian trong thủ tục và hạn chế tiêu cực bôi trơn sổ đỏ, lần đầu tiên Hà Nội triển khai liên thông một cửa giữa lĩnh vực đất đai và thuế.
Hệ thống “một cửa điện tử” ở VPĐK đất đai Hà Nội hạn chế được tình trạng bôi trơn sổ đỏ.
Sáng 22/2, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký (VPĐK) đất đai quận Hai Bà Trưng, tại số 38 Lê Đại Hành lác đác người đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa. Thời gian bộ tiếp nhận hồ sơ khá nhanh, chỉ mất một vài phút. Trước quầy làm thủ tục một cửa, một số người dân đến nộp hồ sơ đang tra cứu trên chiếc máy tính của văn phòng. Mỗi người được cấp một mã số, họ sử dụng mã số này trên website của Sở TNMT, những thông tin liên quan đến mảnh đất của họ lần lượt hiện ra như: sổ đỏ, diện tích, vị trí, các loại quy hoạch trong khu vực, các loại thuế phí đã nộp, cần phải nộp...
“Phải nói là vô cùng tiện lợi cho cả chúng tôi và người dân. Từ ngày áp dụng “một cửa điện tử” này, công việc của chúng tôi triển khai thuận lợi hơn, thời gian gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân cũng được rút ngắn đáng kể”, nhân viên chi nhánh VPĐK đất đai quận Hai Bà Trưng nói.
Giống như nhiều chi nhánh VPĐK đất đai khác trên toàn địa bàn Hà Nội, chi nhánh VPĐK đất đai Hai Bà Trưng đã áp dụng “một cửa điện tử” lâu nay. Đây là biện pháp tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, cũng như quản lý cơ sở dữ liệu về đất đai trên toàn địa bàn thành phố. Đáng lưu ý, chi nhánh VPĐK đất đai Hai Bà Trưng đang là nơi duy nhất tại Hà Nội đang thí điểm mô hình “một cửa điện tử” liên thông với Chi cục Thuế của quận Hai Bà Trưng. Điều này giúp người dân rút ngắn đáng kể thời gian làm các thủ tục giao dịch về đất đai.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tuấn Định, Giám đốc VPĐK đất đai Hà Nội cho biết, nếu như trước đây, khi người dân gặp vướng mắc về thủ tục thuế đối với thửa đất của họ thì hồ sơ đó phải gác lại, chờ bên thuế trả lời. Nhưng nay, chỉ cần ngồi trên hệ thống máy tính cán bộ văn phòng sẽ phát hiện nó vướng ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm về việc đó, giải quyết thế nào... mà chỉ cần qua vài thao tác trỏ chuột.
Cũng theo ông Định, việc áp dụng hệ thống “một cửa điện tử” cũng giúp lãnh đạo của văn phòng quản lý được công việc một cách tốt hơn, hạn chế được hiện tượng sách nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ công chức trong khi giải quyết thủ tục cho người dân.
“Tôi chỉ cần ngồi ở văn phòng, vào máy tính kết nối với phần mềm dùng chung của các văn phòng là biết được công việc của từng nhân viên đang giải quyết. Họ đang giải quyết hồ sơ nào, hồ sơ đó đang trong tình trạng nào, có đầy đủ không, thiếu gì, bao giờ trả kết quả cho người dân, hoặc hồ sơ đó tắc ở đâu, ai phụ trách. Đến thời hạn trả lời người dân mà anh cán bộ đó vẫn chưa giải quyết là trách nhiệm thuộc về người cán bộ đó, tôi chỉ cần nhìn vào hệ thống là biết ngay, nên khó có chuyện A, B, C này nọ”, ông Định nói.
Tú Anh (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.