UBND huyện Chương Mỹ vừa có báo cáo kết quả tổ chức thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố về quá trình triển khai, xây dựng Khu trung tâm thương nghiệp dịch vụ ở xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn) gửi UBND TP Hà Nội.
Trước đó, vào năm 2018, Thanh tra thành phố kết luận, UBND huyện Chương Mỹ đã đã buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai dẫn đến tồn tại, sai phạm khi triển khai thực hiện dự án và quản lý, sử dụng 6.000m2 đất (gồm 1.000m2 đất lưu không đường quốc lộ 6A và 5.000m2 đất phục vụ dự án).
Toàn bộ dãy ki-ốt ở mặt đường từng được UBND xã Ngọc Sơn bán cho người dân đã phải cắt gọt, phá dỡ gần như hoàn toàn để phục vụ quá trình mở rộng quốc lộ 6. Ảnh: Nguyễn Trường.
Không đấu thầu, bán 20/29 gian ki-ốt cho lãnh đạo, cán bộ địa phương
Theo nội dung kết luận thanh tra, cuối tháng 12/1992, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao cho UBND huyện Chương Mỹ 6.000m2 là đất chuyên dùng để xây dựng Khu trung tâm thương nghiệp dịch vụ xã Ngọc Sơn (Dự án). Thời điểm này, ông Tạ Đắc (đã chết) giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện.
Tuy nhiên, cơ quan này đã không thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng mục đích được giao mà để cho UBND xã Ngọc Sơn xây dựng Luận chứng kinh tế - kỹ thuật rồi thực hiện Dự án này.
Quá trình thực hiện, thay vì xây dựng Dự án theo chỉ giới cách mép đường quốc lộ 6A là 20m như ban đầu thì UBND xã Ngọc Sơn lại đề nghị và được UBND huyện Chương Mỹ đồng ý, cho xây dựng “theo chỉ giới cách tim đường 20m”, “đè” lên 1.000m2 đất lưu không đường quốc lộ cấm xây dựng.
Do buông lỏng quản lý, UBND xã Ngọc Sơn đã xây dựng dãy ki-ốt 29 gian trên diện tích đất lưu không nhưng sau đó không cho thuê, đấu thầu.
Thay vào đó, xã Ngọc Sơn đã bán 27/29 gian cho 7 người làm nông nghiệp. Số gian còn lại đem bán cho các lãnh đạo và cán bộ phòng ban thuộc UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Ngọc Sơn; bán hơn 40m2 cho 2 trường hợp khác. Năm 1995, xã Ngọc Sơn đã tổ chức họp Chợ nhưng không thành.
Trong quá trình sử dụng, nhiều hộ dân đã xây thêm tầng 2, tầng 3 và lấn chiếm ra phía trước, phía sau dãy ki-ốt, xây dựng và sử dụng với mục đích làm nhà ở, kinh doanh.
Toàn bộ các hành vi vi phạm này không được chính quyền sở tại lập hồ sơ xử lý, ngăn chặn. Đến nay, nhiều hộ sử dụng ki-ốt đã chuyển nhượng cho người khác để hưởng tiền chênh lệch.
Đối với diện tích 5.000m2 đất chuyên dùng để xây dựng dự án, năm 1993-2002, UBND xã Ngọc Sơn tiếp tục bán hơn 2.400m2 đất cho 50 trường hợp để ở; buông lỏng quản lý để 18 hộ sử dụng ki-ốt lấn chiếm hơn 274m2 đất.
Việc thực hiện không đúng, buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền sở tại đã khiến công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng quốc lộ 6 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Trường.
Từ năm 2002-2007, UBND xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn) đã thu tiền hợp thức cho 18 hộ này; ký hợp đồng cho thuê nhà cầu chợ, Khung tiệp để làm xưởng sản xuất kinh doanh không đúng thẩm quyền, trái quy định của Luật đất đai.
Đến năm 2008, 2010, ông Trần Vũ Lâm - nguyên Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cấp sổ đỏ cho 1 trường hợp trái luật; ký quyết định thu hồi hơn 2.155m2 (là vị trí nhà cầu chợ và Khung tiệp) cho thuê đất để xây dựng xưởng, sản xuất kinh doanh với thời hạn 50 năm là không đúng thẩm quyền, trái quy định của Luật Đất đai.
Hàng loạt cán bộ phải… “rút kinh nghiệm sâu sắc”!
Thanh tra TP Hà Nội kết luận, việc bán hơn 2.400m2 đất, thu hồi hơn 2.155m2 đất… của UBND huyện Chương Mỹ và UBND xã Ngọc Sơn là không đúng các quy định về sử dụng đất đai; trái với chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tây tại Quyết định số 563-QĐ/UBND ngày 21/12/1992.
Trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về ông Lê Chí Ly - nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn (đã chết) và cán bộ địa chính - xây dựng thời điểm từ năm 1993- 2003; ông Hoàng Tiến Chanh - nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, cán bộ địa chính xây dựng xã thời điểm 2004-2007; ông Trần Vũ Lâm (đã chết); lãnh đạo và cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thời điểm năm 2008, 2010.
Đối với diện tích 1.000m2 đất lưu không quốc lộ 6A, toàn bộ diện tích này nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang 2,3 km quốc lộ 6 (đoạn qua thị trấn Chúc Sơn).
Việc thực hiện không đúng quy định về sử dụng đất đai của UBND huyện Chương Mỹ và UBND thị trấn Chúc Sơn là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện cải tạo mở rộng đường ở thời điểm năm 2018.
Nhiều lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ phải chịu trách nhiệm khi buông lỏng quản lý đất đai trong dự án đã qua đời nên không xem xét trách nhiệm. Ảnh: Nguyễn Trường.
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người mua ki-ốt, Thanh tra TP Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Chương Mỹ xây dựng phương án xử lý, phối hợp với liên ngành thành phố đề xuất chính sách bồi thường, tái định cư.
Đối với 5.000m2 đất xây dựng Dự án, đề nghị UBND huyện Chương Mỹ kiểm tra, rà soát, căn cứ quy hoạch 1/5.000 của thành phố để lập quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó, cơ quan này có trách nhiệm lập phương án xử lý tồn tại về đất đai theo quy định.
Kết luận thanh tra tiếp tục đề nghị UBND thị trấn Chúc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan khi đã thực hiện không thực hiện đúng quy định về đất đai, có hình thức xử lý nghiêm.
Theo nội dung báo cáo do ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ ký, UBND thị trấn Chúc Sơn đã tổ chức hội nghị kiểm điểm đối với tập thể và 4 cá nhân là nguyên lãnh đạo, cán bộ xã với hình thức kiểm điểm “rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Đối với cán bộ, lãnh đạo huyện Chương Mỹ, nhiều người đã chết nên không xem xét kiểm điểm; ông Nguyễn Đăng Hùng - nguyên Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường giai đoạn 2008- 2010 bị kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.
Riêng nội dung xử lý trách nhiệm của ông Nguyễn Đình Khả - nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (nay là bí thư Đảng ủy thị trấn Chúc Sơn) và ông Nguyễn Văn Đảm - nguyên Phó trưởng phòng TNMT huyện Chương Mỹ (nay là Phó Bí thư đảng ủy khối Doanh nghiệp huyện), UBND huyện Chương Mỹ đã không nhắc đến trong nội dung báo cáo.
Về việc này, ông Đặng Đình Thịnh - Phó chánh Thanh tra huyện Chương Mỹ - lý giải do “thiếu sót” trong quá trình tổng hợp.
Trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ có báo cáo bổ sung về hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Khả và ông Đảm gửi UBND TP Hà Nội và các cơ quan có liên quan.
-
Xót xa nhìn biệt thự 1000m² bỏ hoang khó hiểu ngay khu đất “kim cương” của Hà Nội
Căn biệt thự cổ kiểu Pháp nằm ở số 46 Hàng Bài (Hoàn Kiếm – Hà Nội), đây được coi là một trong những vị trí đắc địa của Thủ đô khi mỗi m² đất mặt đường có giá trị lên tới 500 - 700 triệu/m². Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, căn biệt thự bị bỏ hoang xuống cấp trầm trọng khiến bất kỳ ai đi qua cũng phải tiếc nuối.