Phát biểu của Chủ tịch Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận của người dân, kỷ cương phép nước không có chỗ cho ai đó hành động, xử sự “rất cùn”

Nếu như trước đây, vi phạm trật tự xây dựng luôn là vấn đề “nóng” nhất của đô thị Hà Nội, thì hiện nay đang dần được kiềm chế. Số liệu của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng giảm nhiều so với các năm trước.

Chuyển biến, là cảm nhận chung của nhiều người dân Hà Nội khi nói về tình hình vi phạm trật tự trên địa bàn thành phố. Nếu như trước đây, tình trạng xây nhà không phép, sai phép, xây nhà trên đất nông nghiệp xảy ra ở hầu khắp các quận, huyện mà nguyên nhân là do buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, ban ngành liên quan, nay đang dần được chấn chỉnh.

Ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai cho biết: "Những năm trước đây vẫn có những trường hợp không xin phép vẫn khởi công xây dựng, vì họ cho rằng đất có sổ đỏ. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp xây dựng sai phép. Tuy nhiên, hiện nay, các tình trạng này cơ bản chấm dứt."

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra trên 10.000 công trình, phát hiện, xử lý 357 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 74 trường hợp xây dựng không phép, 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, thiết kế. Các quận, huyện, xã phường cũng đã xử lý dứt điểm 276 trường hợp vi phạm, trong đó, cưỡng chế phá dỡ 48 trường hợp.

Cùng với với việc kiểm tra xử lý của các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Thanh tra Sở Xây đã thực hiện 8 cuộc thanh tra, 92 cuộc kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật; các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách. Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành 138 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện đã giúp công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có những chuyển biến. 100% công trình xây dựng được kiểm tra, kiểm soát. So với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ công trình có vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm 3%.

Ông Nguyễn Việt Dũng nói: "Việc quản lý của chính quyền địa phương như quận huyện, xã đóng vai trò hết sức quan trọng trong quản lý trật tự xây dựng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã phối hợp tốt với các Đội để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Đội xử lý các trường hợp phức tạp."

Liên quan đến “công trình tai tiếng - 8B Lê Trực”, tại buổi tiếp xúc cử tri Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua, trả lời câu hỏi của cử tri là vì sao qúa trình xử lý vi phạm quá nhùng nhằng, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc xử lý cán bộ vi phạm và cưỡng chế tầng 19 tòa nhà.

Tòa cao ốc 8B Lê Trực (Hà Nội) gây nhiều tranh cãi nằm sát khu trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình

Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cũng “hé lộ”, tòa nhà 8B Lê Trực không chỉ vi phạm ở phía trên mà vi phạm ngay từ tầng hầm. Thậm chí tòa nhà này còn lấn cả vỉa hè. Chủ đầu tư công trình này cũng là chủ đầu tư 3 công trình sai phạm khác (93 Lò Đúc, 104 Trường Chinh và 302 Cầu Giấy). Vừa qua Hà Nội đã quyết định chuyển hồ sơ 3 công trình sai phạm (8B Lê Trực, 102 Trường Chinh và 302 Cầu Giấy) của chủ đầu tư này sang Công an Hà Nội xử lý theo pháp luật hình sự.

"Thời gian tới chúng tôi sẽ cương quyết cưỡng chế phần sai phạm của tòa nhà này. Nói thật, để đảm bảo kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một. Nhưng chủ đầu tư tòa nhà này rất cùn", ông Chung nói.

Huy Nam (VOV1)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.