17/09/2019 5:26 PM
Dù mảnh đất đang trong quá trình tranh chấp, tòa án chưa đưa ra phán quyết cuối cùng nhưng một hộ dân vẫn đơn phương tiến hành xây dựng công trình. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của các bên liên quan.

Báo điện tử Dân Việt nhận được đơn của ông Trương Đức Quỳnh, trú tại số 710 đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) phản ánh về tình trạng một hộ dân xây dựng trái phép trên đất đang tranh chấp.

Vị trí này trước là ngôi nhà cấp 4 hai gian nhưng hiện đã bị phá dỡ.

Ông Quỳnh là nguyên đơn trong vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” theo quyết định thụ lý số 05/2008/TLST của TAND quận Hai Bà Trưng.

Theo đơn khởi kiện ngày 27/9/2007, ông Quỳnh yêu cầu Tòa án buộc các bị đơn gồm các ông: Nguyễn Văn Hải (nhà số 8 trên thửa đất 161); Nguyễn Mạnh Hùng (nhà số 6 trên thửa đất 111); Nguyễn Khắc Toàn (nhà số 1 trên thửa đất 160); Nguyễn Mạnh Cường (số nhà 1B trên thửa đất 160), tất cả đều ở ngõ 345/45 phố Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng phải trả lại nguyên trạng ngôi nhà ngói 2 gian cấp 4 cùng toàn bộ công trình trên đất.

Trong đơn khởi kiện, ông Quỳnh cho rằng, toàn bộ diện tích đất trên thuộc quyền sở hữu của mình.

Ngày 30/11/2018, TAND quận Hai Bà Trưng đã xét xử sơ thẩm và ra bản án số 41/2018/DS-ST. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đang bị kháng cáo và bị VKSND quận Hai Bà Trưng kháng nghị.

Hiện TAND TP. Hà Nội đang thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm và có thông báo thụ lý số 172/TBTL-TA ngày 10/5/2019.

Công trình mái tôn mới được xây dựng kiên cố.

TAND TP Hà Nội đang trong quá trình giải quyết vụ việc thì gia đình ông Nguyễn Khắc Toàn, nhà số 1 trên thửa đất 160 lại có hành vi phá dỡ ngôi nhà hai gian cấp 4 để xây dựng công trình mới làm phức tạp quá trình giải quyết vụ án.

“Đất đang tranh chấp, vụ việc chưa giải quyết xong mà người ta lại ngang nhiên xây dựng là coi thường pháp luật và không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Tôi đặt câu hỏi không biết ai chống lưng mà ông Toàn lại có thể tiến hành xây dựng được” – ông Quỳnh bức xúc.

Theo ghi nhận thực tế của PV, tại địa chỉ này ngôi nhà cấp 4 hai gian đã bị phá dỡ, một mái tôn kiên cố được dựng lên, bên phía ngoài cổng được che chắn bằng hai tấm tôn màu xanh.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đức Hà - Đội trưởng Đội trật tự đô thị phường Thanh Lương cho biết, đơn vị đã nắm được sự việc. Vị đại diện này khẳng định, việc ông Toàn xây dựng trên đất đang tranh chấp là sai.

Đội trật tự đô thị phường Thanh Lương đã tiến hành lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ở một diễn biến liên quan, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật xây dựng, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, đất đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, chưa được giải quyết dứt điểm bằng một bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên chưa có căn cứ để xác định chủ sử dụng đất là ai, cơ quan chức năng sẽ không cấp giấy phép xây dựng.

Như vậy, việc xây dựng mà không có giấy phép là hoàn toàn không hợp pháp. Ai vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với số tiền lên đến 15 triệu đồng.

PV (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.