Không phải bắt buộc phải đóng góp khoản nào cho địa phương, tuy nhiên từ nhiều năm nay, hơn 10ha đất tại khu vực Đông Ba, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại được hơn 100 hộ dân khai thác, sử dụng để sản xuất, kinh doanh. Điều đáng nói ở đây là toàn bộ diện tích đất trên là quỹ đất nông nghiệp công ích, quỹ đất nông nghiệp để lại không giao thuộc sự quản lý của UBND phường Thượng Cát. Vậy, vì sao quỹ đất này lại bị “xẻ thịt” một cách dễ dàng mà không bị các cơ quan chức năng xử lý, p
Nhà xưởng mọc lên tràn lan tại khu Đông Ba.
Sử dụng đất công không phải trả phí
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Xây dựng, diện tích đất rộng hơn 10ha ở khu bãi Đông Ba, thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm từ nhiều năm nay đã bị các hộ dân, tổ chức, cá nhân “xẻ thịt” tự ý dựng nhà xưởng trái phép để sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, tất cả những hộ đang sử dụng diện tích đất này hiện tại lại không phải đóng góp bất cứ khoản kinh phí nào cho địa phương.
Việc hơn 10ha đất công thuộc sự quản lý của UBND phường Thượng Cát nằm ở vị trí thuận lợi bị sử dụng bừa bãi, khai thác triệt để mà địa phương lại không thu được khoản phí nào từ việc này không khỏi khiến dư luận và người dân và bất bình đặt dấu hỏi: Ai cho phép các hộ dân sử dụng “đất vàng” của địa phương mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào? Vì sao tràn lan nhà xưởng dựng lên trái phép mà không bị các cơ quan chức năng xử lý?
Được biết, khu đất trên rộng khoảng hơn 10ha ở khu Đông Ba, phường Thượng Cát trước đây thuộc quyền quản lý của Hợp tác xã Đông Ba. Đến năm 2013, UBND xã Thượng Cát (nay là phường Thượng Cát) đã có Thông báo số 264 chấm dứt việc quản lý của Hợp tác xã Đông Ba với khu đất này để giao lại cho chính quyền sở tại quản lý theo thẩm quyền.
Mặc dù, diện tích đất trên đã được giao cho UBND phường Thượng Cát quản lý từ năm 2013, thế nhưng suốt từ đó đến nay, diện tích đất công trên 10ha đó lại không được UBND phường quản lý sát sao, chặt chẽ, trái lại vẫn để các hộ dân khai thác, sử dụng bình thường mà không bắt buộc đóng góp bất cứ khoản nào cho ngân sách Nhà nước và địa phương.
Chính quyền có bất lực?
Đem những băn khoăn trên trao đổi với ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND phường Thượng Cát, thì được biết, khu đất trên thuộc khu Đông Ba có diện tích hơn 10ha hiện đang được 112 hộ dân, tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác sản xuất, kinh doanh. Về nguồn gốc diện tích đất trên, trước đây được UBND xã giao cho 2 hợp tác xã quản lý, trong đó có Hợp tác xã Đông Ba. Đến năm 2013, diện tích đất trên đã được UBND xã thu hồi về quản lý.
“Sau khi có thông báo chấm dứt, UBND xã tiến hành rà soát, báo cáo UBND huyện thời điểm đó, UBND huyện Từ Liêm yêu cầu xã giữ nguyên hiện trạng”, ông Quyết khẳng định.
Tuy nhiên, việc giữ nguyên hiện trạng theo chủ trương của UBND huyện theo lời khẳng định của ông Quyết không biết nên hiểu theo nghĩa nào. Khi mà kể từ thời điểm sau khi xã Thượng Cát tiếp nhận diện tích đất trên đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh, vi phạm trật tự xây dựng tại khu vực này vẫn diễn ra mà không bị xử lý hay ngăn chặn gì. Thậm chí, có những nhà xưởng, công trình vẫn được cơi nới, dựng lên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề thu phí của các hộ dân đang khai thác, sử dụng diện tích đất tại khu vực khu Đông Ba, ông Quyết khẳng định: Trước đây UBND phường có thu một khoản tự nguyện đóng góp của các hộ dân ở khu vực này, tuy nhiên đến nay thì chả thu được gì.
“Khi UBND phường tiếp quản giữ nguyên hiện trạng, họp các hộ thống nhất với UBND là các hộ tự nguyện đóng góp, tính trên cơ sở giá thuê đất nông nghiệp, có phân ra người địa phương và người ngoài địa phương. Hồi đó là 2.500 đồng/m2 đối với hộ chế biến lâm sản người địa phương, 5000 đồng/m2 đối với hộ người ngoài địa phương. Người hoạt động sản xuất các ngành nghề khác là 7.500 đồng/m2. Bắt đầu thu từ năm 2013, rồi cứ teo dần, teo dần đến bây giờ thì chả thu được ai”.
Xoay quanh câu hỏi của phóng viên Báo Xây dựng về việc nếu các hộ dân không có đóng góp gì cho địa phương khi họ sử dụng, khai thác trên đất công và không có gì vướng mắc, ràng buộc tại sao UBND phường không tiến hành xử lý, chấm dứt các hoạt động của các hộ dân tại khu vực này nhằm tránh những hệ lụy cũng như việc thất thu ngân sách cho Nhà nước?
Ông Quyết thừa nhận: UBND phường cũng trong tình thế rất khó khăn, đang loay hoay với bài toán vừa chống thất thu, vừa quản lý được, vừa ổn định tình hình. Làm thế nào để dừng được người ta mới là câu hỏi, tại vì hiện trạng đang như vậy, với thẩm quyền của cấp phường để mà yêu cầu dừng hết các hoạt động của người ta là cả một vấn đề.” UBND phường đang “bất lực” trước việc giải quyết vấn đề người dân sử dụng hơn 10ha đất mà không phải đóng một đồng phí nào cho địa phương.
Lỏng lẻo và thiếu quyết liệt trong công tác quản lý đất công tại khu Đông Ba, phường Thượng Cát đang gây thất thu cho ngân sách một khoản tiền khá lớn.
Lẽ ra hơn 10ha “đất vàng” thuộc quyền quản lý của UBND phường Thượng Cát sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước nếu được địa phương này quản lý chặt chẽ.
Tuy nhiên, việc lỏng lẻo và thiếu quyết liệt trong công tác quản lý đất công này đang gây thất thu một khoản tiền khá lớn cho ngân sách. Ai đang hưởng lợi từ việc này, phóng viên Báo Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin thêm.
Thanh Trà (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.