Công trình sai phép đã xây dựng xong phần thô, đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Cụ thể, trong hợp đồng mua bán nhà ở thấp tầng thuộc dự án vừa nêu trên vào cuối tháng 12/2003 do ông Nguyễn Quốc Hiệp, đại diện chủ đầu tư ký với khách hàng có nêu rõ, theo thiết kế và quy hoạch bán nhà ở thấp tầng phần thô đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, khách hàng phải tuân thủ các điều khoản sau: Chỉ được hoàn thiện công trình theo đúng thiết kế và quy hoạch đã phê duyệt; sau 6 tháng kể từ khi bàn giao phần thô (tháng 7/2007), ngôi nhà phải hoàn thiện xong.
Tuy nhiên, chủ nhân của lô biệt thự số 9 thuộc dự án đã có những vi phạm sau rất nghiêm trọng khi lấy lý do mua đi bán lại nhiều lần nên không thể hoàn thiện vào năm 2007, mà mãi cho tới năm 2014 mới tiến hành xây dựng. Chính điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới các hộ sinh sống ổn định từ lâu thuộc cùng dự án. Trong quá trình thi công xây dựng công trình đã gây ra tiếng ồn lớn và bụi bẩn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, chủ mới của ngôi nhà không thực hiện theo nội dung đã ký với chủ đầu tư năm 2003 là chỉ hoàn thiện ngôi nhà theo thiết kế và quy hoạch đã được phê duyệt, dùng thiết bị, máy móc phá dỡ toàn bộ phần thô ngôi nhà từ móng lên đến mái để làm theo kiến trúc khác.
Đã nhiều lần, dân cư khu nhà ở biệt thự kiến nghị lên quận Cầu Giấy, sau đó, công trình chỉ bị tạm dựng trong một khoảng thời gian ngắn (hơn một tháng). Khi xin được Giấy phép xây dựng khác của quận thì ngôi nhà lại có kiến trúc trái với cam kết.
Trong Giấy phép xây dựng số 684/GPXD ngày 28/10/2014 có nội dung: Vị trí xây dựng ngôi nhà mới tương đương với vị trí xây dựng ngôi nhà thô đã bị phá dỡ, nhưng được làm thêm tầng hầm dưới ngôi nhà có chiều cao 2,5m, diện tích tầng hầm là 104m2.
Thế nhưng lại một lần nữa, chủ nhân ngôi biệt thự số 9 lại làm sai hoàn toàn với nội dung giấy phép mới cấp: Thay vì tầng hầm có diện tích 104m2, tầng hầm mới được xây dựng choán hết khuôn viên rộng 249,9 m2, sát vào các lô bên cạnh làm nứt tường và sân... của các hộ dân liền kề. Các tầng 1, 2 và 3 có diện tích 180m2 sàn mỗi tầng, không phải là 104,5m2 cho mỗi tầng như giấy phép đã cấp; khoan cọc nhồi sâu 30m làm ảnh hưởng đến móng của các ngôi nhà xung quanh.
Không rõ quận Cầu Giấy đã đánh giá hết các tác động như làm thay đổi cảnh quan chung của cả khu dân cư, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân hay không? Nhưng việc xây dựng biệt thự mới có kiến trúc hoàn toàn khác so với quy hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trên lô đất số 9 thuộc Dự án Khu nhà ở và công trình công cộng thì hậu quả nhãn tiền đã thấy được.
Không gian thông thoáng của các nhà liền kề đã bị chiếm dụng; gây mất mỹ quan và quy hoạch khu biệt thự bị phá vỡ; ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của các ngôi nhà liền kề; trong quá trình phá dỡ và xây dựng kéo dài cả năm trời, ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn xây dựng đã làm tổn hại sức khỏe cho cả khu dân cư.
Vậy trách nhiệm của chính quyền quận Cầu Giấy ở đâu trong vụ việc này khi cấp Giấy phép xây dựng trái với quy định của thành phố. Nhiều hộ dân tại đây cho rằng, việc cấp Giấy phép xây dựng là thiếu khách quan, minh bạch bởi khi đó, họ không được thông báo và gặp gỡ để cùng nắm bắt tình và đưa ra các kiến nghị, yêu cầu chính đáng. Trong quá trình xây dựng biệt thự số 9, cũng không thấy sự xuất hiện lực lượng Thanh tra Xây dựng và UBND phường Yên Hòa kiểm tra, nhắc nhở, mặc cho chủ biệt thự xây dựng sai giấy phép đã cấp.
Dưới đây là một số hình ảnh công trình xây dựng sai phép “khủng” này:
Quá trình xây dựng làm ảnh hưởng rất lớn tới các hộ dân liền kề.
Kiến trúc lạc lõng nằm trong khu dân cư hiện đại.
Mặc dù là công trình xây dựng sai phép nhưng vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và lực lượng Thanh tra Xây dựng trong việc giải quyết vi phạm là rất mờ nhạt.