30/06/2019 9:14 AM
Khởi động từ năm 1999, nhưng sau 20 năm chủ trương cải tạo chung cư cũ của thành phố chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn (14 trên 1579 chung cư cũ).

Thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có 1.579 tòa chung cư cũ xây dựng trong giai đoạn 1960-1980. Phần lớn số chung cư này đã hết niên hạn sử dụng, tập trung chủ yếu tại các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa...

Trong đó, đáng chú ý là nhiều tòa nhà chung cư lắp ghép tấm lớn, với độ dày các tấm khoảng 10cm liên kết bằng sắt phi 6 hoặc phi 8. Đến nay, qua hàng chục năm hầu hết đã bị phá hủy mối nối, nếu có lực xô ngang rất dễ xảy ra đổ, sập nhà. Đây là những tòa nhà cấp bách phải thực hiện cải tạo, sửa chữa cho người dân sinh sống an toàn, nhưng do những vướng mắc, chủ trương này gần như vẫn dậm chân tại chỗ.

Một trong những vướng mắc chính khi triển khai dự án cải tạo chung cư cũ là việc cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, Nhà nước thì lại không muốn gia tăng mật độ dân cư, thay đổi quy hoạch kiến trúc nên không cho phép xây cao tầng.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Kế hoạch cải tạo lại chung cư cũ được khởi động từ năm 1996 và đến năm 1999 được tiến hành. Cho đến nay mới xây dựng và cải tạo được 14/1579 tòa nhà. Để cải tạo lại chung cư cũ chúng ta phải đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước; đảm bảo tiêu chuẩn quy hoạch; và cần phải có nguồn lực”.

Việc thành phố Hà Nội chậm triển khai cải tạo chung cư cũ làm cuộc sống hàng nghìn hộ dân tại các tòa nhà này bất an, lo lắng. Ông Hoàng Như Huyên, trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn quận có trên 100 chung cư cũ, trong đó có nhiều nhà ở tình trạng xuống cấp cần được cải tạo, sửa chữa. Lo lắng, người dân đã rất nhiều lần kiến nghị, nhất là qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng mọi chuyện không có gì thay đổi.

Ông Hoàng Như Huyên nói: “Trên địa bàn quận có nhiều nhà tập thể cũ xuống cấp ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trong đó tại phường Cửa Nam là tại 151 Lê Duẩn, 112 Trần Hưng Đạo...”.

Tại quận Hoàng Mai là những dãy nhà “chống kèo gác cột” trong khu tập thể Tân Mai. Sau gần 30 năm sử dụng, năm 2010, tòa nhà A7 khu tập thể Tân Mai xuất hiện sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương, ngành chức năng thành phố đã phải gia cố khung sắt từ tầng 1 đến tầng 5 để chống nguy cơ đổ sập.

Ông Nguyễn Văn Huy, phường Tân Mai cho rằng, việc tu sửa, chóng cột chỉ là giải pháp tình thế, người dân sống trong tòa nhà rất lo lắng về sự an toàn. Hiện tình trạng sụt lún, độ nghiêng của tòa nhà ngày càng nghiêm trọng.

“Chúng tôi rất là lo lắng, đặc biệt khi nghe tin có những cơn bão lớn. Bởi khu vực A7 vẫn còn 52 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu. Trong khi khu vực bản thang, xí nghiệp nhà Hai Bà Trưng đã gia cố bằng các khung sắt, tuy nhiên nhìn những vết nứt như vậy thì rất bất an”, ông Huy nói.

Huy Nam (VOV1)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.