Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định hạ trần lãi suất huy động VND. Ngay sau đó, các NH thương mại cũng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống còn tối đa 10% để hỗ trợ cho DN và nền kinh tế.

Những khác biệt

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank, quyết định hạ trần lãi suất của NHNN và động thái giảm lãi suất cho vay của các NH thương mại là một giải pháp mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay. Mức lãi suất này khá phù hợp căn cứ vào lạm phát, tăng trưởng cũng như quan hệ lãi suất giữa VND và USD tránh ảnh hưởng xấu đến tỷ giá. Việc điều hành bám sát cung cầu vốn trên thị trường là cách thiết thực để chia sẻ khó khăn với DN. Đồng thời, đây cũng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của cả ngành theo mục tiêu đặt ra 12-14% trong năm 2014 này.

Lãi suất cho vay giảm 50% so với thời kỳ đỉnh cao.

Phát biểu mới đây tại thảo luận tổ, Đại biểu quốc hội Phạm Huy Hùng lại cho rằng, việc giảm lãi suất trong thời gian qua vẫn còn chậm. Trả lời thêm về vấn đề này, ông Hùng cho rằng, kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, rất nhiều nước đã đưa ra các gói cứu trợ nền kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD. Đến nay, châu Âu vẫn đưa ra hàng nghìn tỷ EUR với lãi suất thấp, chỉ 1% - 2%/năm. Việt Nam lãi suất giảm rất chậm. Một vài năm qua, CPI đã xuống thấp, đầu năm tăng 3% - 4% và cuối năm mới vọt lên 5%. Mười tháng đầu 2014, CPI chỉ tăng 2,36% nhưng các NH vẫn huy động lãi suất 7% - 8%/năm để rồi cho vay với lãi suất 9% - 10%. Vừa rồi, NHNN có chỉ thị lãi suất giảm nhưng đó là chỉ giảm cho một số lĩnh vực chứ chưa phải cho cả nền kinh tế.

Theo phân tích của ông Thắng, liên tục giảm lãi suất vừa qua là một lộ trình phù hợp và nỗ lực của NHNN. Kể cả mức lãi suất trong năm 2013, hay 2014 khi chưa có quyết định giảm 0,5%/năm mới đây đã là mức khá thấp. Qua thực tế điều hành kinh doanh thì lãi suất không còn là vẫn đề khó khăn quá lớn đối với DN. Nói DN phá sản do lãi suất cao của NH là không có.

“Việc các DN khó khăn, rơi vào tình trạng phá sản. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó một số lý do căn bản như DN: hàng tồn kho nhiều, tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn. Cá biệt, một số DN có năng lực quản trị yếu kém, sử dụng vốn không đúng mục đích nên thị trường khó khăn không có giải pháp xoay chuyển tình thế nên tiếp tục khó khăn khi tổng cầu sụt giảm”, ông Thắng phân tích.

Thực tế, cuối năm 2013, khi lãi suất trên thị trường còn cao hơn hiện nay ở mức 7 – 11%, thì ông Phạm Huy Hùng đã từng nhận định: “Đến nay lãi suất vốn lưu động chỉ từ 7% - 9%/năm, lãi suất trung và dài hạn từ 9-11%. Lãi suất này là phù hợp và các DN chấp nhận được, cũng là điều kiện để kích cầu các DN tích cực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”.

So với thời điểm đỉnh cao cuối 2011 và đầu 2012, lãi suất cho vay hiện nay đã có thể xem là đã giảm khoảng 50%. Từ đầu 2014, lãi suất đã ít nhất qua hai lần điều chỉnh giảm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 1,0-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, dường như đã có những cách nhìn khác nhau của người trong cuộc ở những thời điểm khác nhau.

Trong chuyến thăm và làm việc tại NHNN đầu tháng 10/2014, lãnh đạo ADB cũng nhận định: “ADB đã đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô và những đóng góp quan trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát, ổn định dự trữ ngoại hối và từng bước củng cố hệ thống ngân hàng thương mại theo các tiêu chuẩn quốc tế”.

Nợ xấu đã giảm tới đâu?

Tại họp báo thường kỳ mới đây, NHNN cho biết, theo báo cáo của các TCTD, tính đến hết tháng 9/2014, nợ xấu của toàn hệ thống NH là 3,88% tổng dư nợ cho vay.Mức nợ xấu này đã có chiều hướng giảm so với thời gian trước. Cụ thể, tháng 6 nợ xấu là 4,17%, tháng 7 là 4,11% và tháng 8 là 3,9%. Cùng với đó, đại diện VAMC cũng công bố các con số khả quan về việc mua bán và xử lý nợ xấu. Thời gian tới, hoạt động của VAMC sẽ có hiệu quả hơn khi các hạn chế chính sách mua bán, xử lý nợ xấu được tháo gỡ.

Tuy nhiên, ông Hùng lại có quan điểm, con số nợ xấu hiện nay là chưa chính xác và có thể đươc tính chưa đầy đủ. Ông Hùng cũng cho rằng: “Đã đến lúc phải xem xét lại cơ chế hoạt động của VAMC vì đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, là kho chứa nợ xấu. Mà đưa vào cái kho đó cực kỳ nguy hiểm…. Đưa nợ xấu vào kho chứa 5 năm, NH yên tâm coi như xong... Cứ để sau 5 năm mở kho chứa nợ xấu đó ra sẽ là cái gì”.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, từ đầu 2012 nợ xấu đã được công khai toàn bộ nợ xấu thể hiện sự minh bạch và quyết tâm ngành NH không che dấu nợ xấu. Tỷ lệ nợ được tính đúng, tỉnh đủ và NHNN đã rất khách quan và quyết liệt về cấn đề này. Lâu nay tình trạng nợ xấu có 2 con số nhưng vẫn rất rõ ràng. Một con số do NH báo cáo lên NHNN, có tổ chức tín dụng k tính số nợ xấu cơ cấu, giãn nợ theo quyết định 780 của NHNN. NHNN tính luôn các khoản này nên tỷ lệ cao hơn các TCTD là để khẳng định đúng thực chất nợ xấu của ngành NH ra và đề ra yêu cầu cao hơn đối với các NHTM trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Thực tế, khi còn trực tiếp kinh doanh, ông Hùng đã bày tỏ, các TCTD đã chủ động, quyết liệt xử lý, thu hồi nợ xấu… kể cả xử lý nợ xấu thông qua công ty VAMC nên tốc độ nợ xấu đã giảm. Năm 2013, nợ xấu của toàn ngành giảm là điểm tích cực của NH Việt Nam. Ông Hùng cũng bảy tỏ ấn tượng về việc VAMC hoạt động từ tháng 7/2013 nhưng dự kiến trong quý IV/2013 xử lý được 35 – 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu là những điểm nhấn về xử lý nợ xấu của hệ thống NH.

Khẳng định lại quyết tâm xử lý nợ xấu, theo ông Thắng, việc thành lập VAMC là một trong những giải pháp rất đúng. Đây là một biện pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc thành lập VAMC mua nợ xấu của TCTD tốt cho cả DN và các NH. Đối với DN thông qua việc NHTM bán khoản nợ cho VAMC thì sẽ giúp cho các ND và NH có điều kiện củng cố lại mối quan hệ giữa hai bên. Với NHTM đây là giải pháp rất tốt để giảm áp lực tỷ lệ nợ xấu cao. Khi bán sang VAMC sau 5 năm, mỗi năm các TCTD trích lập 20%. Như vậy, trong 5 năm thay vì các NH phải trích 100% trong năm đầu tiện được giãn ra 5 năm, nên NH giảm bớt được khó khăn. Sau 5 năm nếu nợ xấu chưa dược bán, xử lý thu hồi thì các NHTM nhận lại khoản nợ. Lúc đó, NH đã trích lập đủ rồi và thị trường lại tốt lên.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, để VAMC hoạt động tốt hơn cần phải trao đủ quyền và đồng bộ các chính sách để điều kiện mua bán và xử lý nợ. Bên cạnh đó, cần một sự nhất trí, đồng lòng, tạo được niềm tin để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả hơn.

Hà Minh (Vef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.