Nhiều chuyên gia bất động sản thừa nhận lãi suất trên đà giảm tuy có thể hỗ trợ phần nào nguồn tài chính cho người mua nhà và doanh nghiệp nhưng bấy nhiêu chưa đủ tạo thành đòn bẩy giúp thị trường chuyển động hoặc tan băng.

Một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động, gói tài khóa hỗ trợ bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng của Chính phủ cũng đang chờ ngày tung ra, song tâm lý dè dặt, phòng thủ vẫn bao trùm thị trường địa ốc.

Chủ tịch Công ty Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn nhận định, hiện nay tình hình quá xấu nên dù lãi suất giảm vẫn chưa thể tác động nhiều đến thị trường bất động sản.

Theo ông Hoàn, không phải bất kỳ chính sách “tốt” nào khi ban hành đều ảnh hưởng tích cực đến thị trường. Thậm chí, đôi khi chính sách còn gây phản tác dụng nếu không thực hiện đúng cách, giống như uống kháng sinh không đúng liều sẽ càng nguy hiểm hơn.

Các chuyên gia địa ốc cho rằng hạ lãi suất chưa đủ lực giúp địa ốc tan băng. Ảnh: Vũ Lê

Ông Hoàn phân tích, số tiền 30.000 tỷ đồng có thực sự đến tay người nghèo hay không là một câu hỏi lớn. Sau 3 năm, lãi suất chênh lệch so với 6% một năm là bao nhiêu vẫn còn là ẩn số. "Tôi nghĩ kể cả 30.000 tỷ này đến đúng tay người nghèo và mức lãi suất này ổn định trên 10 năm thì thị trường cũng chưa tốt lên được vì số tiền này quá nhỏ so với quy mô của thị trường", Chủ tịch Công ty Khải Hoàn dự báo.

Giải pháp cho thời điểm khó khăn, theo ông Hoàn là phải có chính sách đồng bộ, tổng lực, thực hiện nhanh, không nên do dự theo kiểu thăm dò khi bệnh đã nặng. Bên cạnh việc hạ lãi suất, địa ốc còn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác. Một trong những cánh cửa cần phải mở rộng ngay là sớm ban hành là cho người nước ngoài được mua nhà như người Việt Nam. "Các nước khác đã làm thế từ rất lâu rồi, tôi nghĩ ta không nên chần chừ thêm nữa", ông Hoàn đề xuất.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty GIBC Huỳnh Phước Nghĩa phân tích, lãi suất về 6% là mốc lý tưởng nhưng cần áp dụng lâu dài mới có tác dụng tích cực đối với thị trường địa ốc.

Theo ông Nghĩa, vấn đề nan giải của bất động sản thời điểm này không phải lãi suất. Điều hóc búa nhất là khả năng hấp thụ sản phẩm của thị trường còn kém do giá địa ốc chưa chạm đến khả năng chi trả của người dân. "Thanh khoản thấp thì dù lãi suất có kéo xuống bằng không cũng trở thành vô dụng vì hàng tồn còn đó, nợ xấu vẫn chất chồng", ông Nghĩa nhận xét.

Chuyên gia này lo ngại tâm lý thị trường còn khá nặng nề, những người có tiền đang do dự, hoài nghi giá nhà chưa xuống đến đáy hoặc chê lãi suất bấp bênh. Ông Nghĩa cho rằng Việt Nam muốn đạt đến thị trường nhà ở lý tưởng thì thu nhập trung bình của người dân phải tăng dần đều. Thế nhưng trên thực tế thu nhập chưa có dấu hiệu khả quan, chi phí kinh doanh lại tăng trong khi sự đổ vỡ của cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn dần. Tất cả tạo nên những hạn chế đáng kể khiến thị trường giật lùi và chưa thể tìm thấy đầu ra trong năm 2013.

Riêng Phó Giám Đốc Công Ty TNHH Địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực nhận định lãi suất được điều chỉnh sẽ chỉ tác động đến những dự án bất động sản đã chào bán giá đáy. Người mua để ở cũng chỉ nhắm đến phân khúc giá rẻ 700 triệu - 1 tỷ đồng có nhiều ưu đãi, nhận nhà ngay. Còn biệt thự hay căn hộ cao cấp sẽ càng lún sâu hơn trong khủng hoảng.

Theo ông Đực, không nên quá kỳ vọng vào tác dụng của việc hạ lãi suất đối với toàn bộ thị trường, cũng đừng trông đợi Nhà nước hỗ trợ thêm vì điều này gần như không tưởng trong bối cảnh hiện nay. "Muốn bất động sản chuyển động trở lại thì các gói tài khóa chỉ nên tập trung vào người mua nhà, đừng bận tâm đến doanh nghiệp. Chỉ cần bán được hàng tự khắc chủ đầu tư sẽ sống sót được", ông Đực nhấn mạnh.

Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.