Những hình ảnh này xuất hiện nhiều tại đoạn đường trên trong vài tháng gần đây khi nhiều dự án căn hộ ở TP.HCM bắt đầu hồi sinh và mở bán trở lại sau một thời gian im ắng.
Chủ nhân của lời rao “chỉ với 89 triệu đồng, bạn có cơ hội sở hữu căn hộ trung tâm hành chính quận Thủ Đức” là dự án căn hộ Central Light. Đây là dự án do Công ty Đạt Gia làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 6.2009. Trước đó, dự án có tên Babylon Residence 1, dự kiến bắt đầu giao nhà vào đầu quý I/2012. Tuy nhiên, khó khăn thị trường đã khiến dự án nằm bất động và bây giờ mới khởi động trở lại.
Không chỉ Central Light, nhiều dự án khác cũng được hồi sinh như Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú) do Công ty Khang Gia làm chủ đầu tư; dự án Cherry 1, 2, 3 của Công ty Hoàng Quân (huyện Hóc Môn, quận 2 và 12), dự án căn hộ 91 Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Screc 2 Metro Apartment (quận 2).
Sức hấp thụ trên thị trường cũng cho thấy một số dấu hiệu khá tích cực. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản ngày 9.8.2013, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết tổng giá trị tồn kho của thị trường bất động sản đã giảm 15,4% so với quý I/2013. Trong đó, căn hộ tồn kho giảm khá nhiều, đặc biệt là tại TP.HCM và Khánh Hòa.
Báo cáo nghiên cứu của Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam về thị trường căn hộ TP.HCM cũng cho thấy tổng số căn bán được trong quý II/2013 đạt 1.615 căn, tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30,7% so với quý trước. Nhờ đó, lượng hàng tồn kho đã giảm từ 16.706 căn xuống còn 16.322 căn trong quý II/2013.
Theo CBRE Việt Nam, chính những nỗ lực tiếp sức của Chính phủ trong thời gian qua đã góp phần mang lại kết quả trên. Đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng và việc hạ trần lãi suất. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng giảm còn 5% đối với những căn hộ có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Mức chịu thuế thu nhập cá nhân mới (từ 9 triệu đồng trở lên) cũng bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2013.
Hãy tạm không bàn đến tính xác thực của báo cáo số lượng căn hộ giao dịch trong quý II/2012, vì có sự khác nhau về con số giữa các công ty nghiên cứu. Tuy nhiên, việc thị trường ấm lại khi các dự án đua nhau mở bán là câu chuyện có thật. Vấn đề là sự ấm lại này sẽ kéo dài được bao lâu.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, Thành phố chỉ xem xét cho 9 dự án nhà ở thương mại được hỗ trợ khách hàng vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 02 với tổng cộng 2.260 căn hộ có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, mặc dù một số ngân hàng đã bắt đầu cho vay trở lại với lĩnh vực bất động sản, nhưng không phải dự án nào cũng có thể được vay. Rõ ràng, ngoài 9 dự án nói trên, những dự án còn lại chỉ tranh thủ hiệu ứng tâm lý để thu hút khách hàng.
“Gói kích cầu chỉ cứu được một vài đối tượng. Thị trường bất động sản Việt Nam chỉ được cầm máu một chút và do đó, vết thương sẽ không được chữa lành. Lý do là giá bán của bất động sản Việt Nam vẫn cao hơn giá trị căn bản gấp nhiều lần”, Tiến sĩ Alan Phan nhận xét.
Nhận xét của ông không phải là không có cơ sở. Thị trường bất động sản tại Việt Nam đã từng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm 2008, thị trường dường như đóng băng khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra. Qua năm 2009 gói kích cầu của Chính phủ đã giúp thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, khi gói kích cầu hết tác dụng, thị trường bất động sản lại rơi vào tình trạng trầm lắng kéo dài.