30/05/2013 10:35 AM
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6% của Chính phủ hỗ trợ cho thị trường bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều người vẫn lo ngại liệu hiệu quả của 30.000 tỷ đồng sẽ đi đến đâu khi thị trường BĐS gần như không nhúc nhích và phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình dường như cũng không đủ.

TS Alan Phan cho rằng: “Gói kích cầu này rất tốt cho tình hình hiện nay. Nhưng như tôi đã phân tích thì hiệu quả sẽ không cao, thậm chí rơi vào tay của một nhóm người mà thôi!”

+Thưa ông, với kinh nghiệm là một người đã từng kinh doanh BĐS tại Mỹ. Vậy xin ông có thể chia sẻ điều gì với các doanh nghiệp BĐS Việt Nam trong thời điểm hiện nay?

- BĐS Việt Nam cũng như thị trường BĐS trên thê giới, đặc biệt tại Mỹ, “nó” cũng luôn luôn hoạt động theo chu kỳ. Tuy nhiên, trong góc độ là nhà kinh doanh, các DN phải nhìn nhận và đánh giá, có thể không chính xác đến 100% nhưng cũng cần phải nắm bắt quy luật này, để có những phương thức phù hợp và phải đủ sức để chịu đựng. Tôi không biết nhiều về BĐS Việt Nam, nhưng theo tôi thì mỗi chu kỳ lên xuống phải kéo dài từ 5- 10 năm. BĐS Việt Nam hiện đang ở giai đoạn giữa của chu kỳ này và mức độ nhanh hay chậm cũng còn tùy thuộc vào động thái hỗ trợ từ chính phủ, sự nỗ lực của các DN.

Vì vậy, muốn thành công DN không chỉ có chuyên môn hiểu về BĐS, mà còn cần phải có vốn để có thể chịu đựng đến 5- 10 năm cho một chu kỳ, ngay cả khi thị trường BĐS suy thoái.


TS Alan Phan

+ Ngày 1/6 tới đây, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chính thức có hiệu lực. Nhiều ngườicho rằng với tình hình hiện nay cũng sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề cho thị trường BĐS. Vậy quan điểm của ông như thế nào?

- Tôi cũng theo dõi thông tin này trên báo chí và đối tượng là những người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, cán bộ công chức, người có thu nhập thấp, trung bình; các đối tượng chưa có nhà ở hoặc nhà ở xuống cấp có diện tích bình quân 8m2/người; các hộ tái định cư chưa được nhà nước bố trí đất ở hoặc nhà ở (chỉ áp dụng loại nhỏ hơn 70m2 và giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2)….


Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6% có phát huy hiệu quả, khi phân khúc cho đối tượng này chỉ chiếm chưa được 1/10 số lượng căn hộ “tồn kho” hiện nay.

Phải nhìn nhận đây là một động thái rất tích cực của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên nhìn thực tế, hiện nay thị trường BĐS tìm phân khúc nhà ở giá thấp thì có vẻ như không đủ để cung cấp cho nhu cầu của thị trường, chỉ chiếm chưa được 1/10 của hơn 70 ngàn căn hộ đang bị “tồn kho”, bởi đây là những căn hộ thuộc phân khúc trung bình và cao cấp.

Vì vậy nếu bây giờ mới bắt đầu xây dựng phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, thì liệu thời điểm này DN có sẵn sàng bước vào để triển khai hay không khi mà bản thân họ cũng đang gặp khó khăn về thiếu vốn? Và nếu DN chấp nhận, thì thời gian để gói kích cầu này có hiệu quả cần bao nhiều năm nữa, khi DN mới chỉ bắt đầu xắn tay cày ruộng, trong khi người dân thì đang như kẻ hấp hối, đang “đói” và cần phải có “miếng” để ăn ngay? Nên gói kích cầu này theo tôi chẳng khác gì đang đứng trước ngã ba đường và không biết phải chọn con đường nào để đi đúng.

+ Vậy để phát huy hiệu quả của nó, “kế sách” của ông sẽ là gì?

- Tôi không phủ nhận những cố gắng của Chính phủ và các ban ngành của Việt Nam và tôi đã khẳng định gói kích cầu này rất tôt cho tình hình hiện nay. Nhưng như tôi đã phân tích thì hiệu quả sẽ không cao, thậm chí rơi vào tay của một nhóm người mà thôi.

Một thực tế là hiện nay không chỉ các DN trong lĩnh vực BĐS, mà nhiều DN liên quan đến BĐS như sắt , thép, xi măng.. thậm chí nhiều DN Việt Nam trong các lĩnh vực khác cũng do thiếu vốn, do lãi suất cao đã không chịu đựng nổi, phải dẫn đến phá sản. Ngân hàng cũng vướng mắc trong vấn đề giải quyết nợ xấu…Nên theo tôi, để phát huy tính tích cực của nguồn vốn này, thì Chính phủ nên cho vay vốn trực tiếp đến tay những người thuộc các đối tượng trên. Tạo điều kiện cho họ có được một nguồn vốn để có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực khác trong hoạt động “tổng” của nền kinh tế, sẽ tạo tính thanh khoản cho đồng tiền, khi đó sẽ kích cầu rất lớn cho toàn bộ nền kinh tế phát triển. Hàng hóa được luân chuyển, chỉ số tiêu dùng tăng, thì BĐS cũng không có lý do gì để “đứng im” như hiện nay.

+Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi

Bảo Lan (Nhà báo & Công luận)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.