04/04/2014 1:25 PM
Gói tín dụng này sẽ khó khả thi, bởi không phải "tiền tươi thóc thật" và chủ yếu nhằm cứu các doanh nghiệp, ngân hàng, chứ chưa hướng tới những người mua nhà.

Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Phan Thành Mai cho biết, ngay cả những công trình đã từng gánh vác nhiều món nợ trước đó, VNCB vẫn có thể khoanh nợ cũ lại và cho dự án cơ hội hồi sinh từ dòng vốn mới. "Chúng tôi sẽ thẩm định lại toàn dự án và cho vay mới bằng cách đối ứng với số lượng sản phẩm đầu ra theo quy trình liên kết 4 nhà", ông cho hay.

Cơ chế này đã được một số chuyên gia đánh giá cao. Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng, Lê Văn Tới phân tích, khoanh nợ cũ, rót thêm vốn để vực dậy những dự án dở dang là giải pháp hỗ trợ song song 2 thị trường vật liệu xây dựng và địa ốc. Ông Tới cho rằng, với cơ chế này doanh nghiệp dù đang có khoản vay nhưng dự án được thẩm định khả thi, được bảo lãnh vẫn có cơ hội tiếp tục thi công và về đích. Sản phẩm tín dụng này chủ yếu chuyển hàng hóa (vật liệu xây dựng), giải ngân tiền sau. Nguồn cung của dòng tiền ra thị trường ít hơn nên giảm thiểu được lạm phát.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Phước Thanh nhận xét, gói 50.000 tỷ với hình thức cho vay liên kết 4 nhà là xu hướng đổi mới cấu trúc tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia ngành xây dựng. Cấu trúc này đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng vừa cạnh tranh lành mạnh vừa chia sẻ cơ hội kinh doanh.

Theo ông Thanh, mô hình tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng quy về một đầu mối trong chuỗi tín dụng khép kín có thể giảm trực tiếp chi phí cho nhà thầu và chủ đầu tư thông qua những đơn đặt hàng số lượng lớn. Từ đó suất đầu tư giảm, khả năng điều chỉnh giá đầu ra lớn tạo tính khả thi cho dự án, tăng khả năng trả nợ gốc và lãi ngân hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng gói 50.000 tỷ đồng muốn đạt hiểu quả cao phải tăng tốc khâu giải ngân và hỗ trợ thêm cho nhà thứ 5 là người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Lê

Bên cạnh sự ủng hộ của các chuyên gia, vẫn có không ít ý kiến băn khoăn về sản phẩm tín dụng này. Một số doanh nghiệp có dự án đình trệ chia sẻ không kỳ vọng vì vẫn lo ngại đầu ra của dự án và tiến độ giải ngân.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB Lê Tấn Hòa cho biết: "Đối với dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn, nếu tìm được nhà băng cho vay thời điểm này thật đáng mừng. Song điều quan trọng là tốc độ giải ngân và đầu ra của dự án cũng như thuyết phục khách hàng tin tưởng vào doanh nghiệp".

Theo ông Hòa, cách làm của Ngân hàng Xây dựng giải quyết được phần ngọn. Tuy nhiên phần gốc rễ còn phải đặt cược vào nhiều yếu tố: giải ngân nhanh, kinh tế vĩ mô ổn định, tâm lý thị trường cải thiện, sức mua tăng. Vị này cho rằng việc giải ngân 50.000 tỷ đồng cần phải tăng tốc, chọn những dự án thuộc phân khúc bình dân để triển khai cho vay 4 nhà thì mới mong đạt hiệu quả.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản thuộc quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay, 50.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực xây dựng thông qua chuỗi liên kết 4 nhà nhìn chung có thể mang lại niềm hy vọng cho thị trường, nhưng sẽ không hiệu quả nếu nhìn từ dự án cao cấp có vốn ngoại mà doanh nghiệp ông đang đầu tư. Dự án của ông đang dừng thi công do thiếu vốn và cũng chưa có kế hoạch tiếp tục triển khai bởi thực tế địa ốc đối với phân khúc cao cấp còn khó khăn, nhiều khách hàng không đóng tiền theo tiến độ.

Cũng theo ông, các chủ đầu tư ngoại thường chọn đối tác nước mình để đảm bảo độ tin cậy và sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn. Lãi suất ngân hàng vay ưu đãi từ các ngân hàng ngoại cũng chỉ khoảng 5% mỗi năm. Bởi vậy, theo ông, gói 50.000 tỷ đồng mới chỉ tác động tới những doanh nghiệp bất động sản trong nước. “Thực tế doanh nghiệp ngoại rất sợ thủ tục hành chính của Việt Nam, bởi vậy, doanh nghiệp ngoại sẽ không kỳ vọng nhiều từ gói 50.000 tỷ đồng”, ông thẳng thắn.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu kỳ vọng sản phẩm tín dụng này có thể khắc phục phần nào hậu quả của 90.000 tỷ đồng nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, ông Châu kêu gọi cần mở rộng gói 50.000 tỷ đồng thành chuỗi liên kết 5 nhà, trong đó thêm vào đối tác đóng vai trò quan trọng là người tiêu dùng. "Phải hỗ trợ thêm cho người mua nhà, là mấu chốt của thị trường thì hiệu quả sẽ tốt hơn", ông nói.

Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cho rằng, gói 50.000 tỷ đồng không phải “tiền tươi thóc thật” mà chỉ là hình thức liên kết 4 nhà để tạo chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn hảo, từ đó khơi thông các dự án đang dở dang. Tuy nhiên, theo ông Hà, điều quan trọng nhất là gói 50.000 tỷ phải xác định phân bổ chuỗi liên kết trúng vào dự án đáp ứng được nhu cầu của số đông.

Thực tế thị trường có nhiều dự án biệt thự, liền kề, căn hộ cao cấp dang dở, nếu được tiếp tục rót vốn cũng không có khách mua. Bởi vậy, theo ông Hà, gói 50.000 tỷ đồng phải khu biệt vào những dự án nhà ở trung cấp bình dân có giá cả phải chăng mới phát huy được tác dụng. “Từ đầu năm đến nay, thị trường chỉ có dấu hiệu ấm lên đối với phân khúc bình dân bởi khách mua chủ yếu là người có nhu cầu thực. Bởi vậy, gói 50.000 tỷ phải gắn với nhu cầu thực của người dân”, ông Hà nhận định.

Vũ Lê - Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.