19/08/2013 10:24 AM
Tiến độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng rất chậm khi sau 2 tháng, mới chỉ có chưa đến 100 tỷ đồng được giải ngân. Vậy nguyên nhân là gì?

Sau 2 tháng triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất mua nhà ở, tổng số tiền giải ngân được là chưa đến 100 tỷ đồng, một con số rất nhỏ so với 30.000 tỷ đồng quy mô của cả gói. Với lộ trình giải ngân trong 3 năm, tiến độ bước đầu như vậy được cho là rất chậm. Vậy nguyên nhân là gì?

Tổng số tiền giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng tính đến 3/8/2013 là 83,2 tỷ đồng

Thiếu nguồn cung nhà

Trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho biết, ngay sau khi có chủ trương về gói cho vay thuê, mua nhà ở, từ ngày 19/3, Ngân hàng đã tiếp nhận 37 hồ sơ, chấp nhận cho vay 6 hồ sơ, dư nợ đạt 4,2 tỷ đồng.

“Ngân hàng chưa giải ngân được nhiều do khách hàng chưa muốn dùng tiền vay ngân hàng để trả đợt đầu tiên cho chủ đầu tư nhằm hạn chế phần vay của ngân hàng”, ông Tâm cho biết.

Bà Mỹ Linh, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân của VietinBank chia sẻ, đây là gói hỗ trợ mang tính xã hội nên Ngân hàng rất tích cực tham gia. Ngân hàng còn đăng quảng cáo về gói cho vay hỗ trợ nhà trên truyền hình liên tục thời gian vừa qua. Hiện, VietinBank là ngân hàng dẫn đầu trong 5 NHTM phê duyệt số lượng hồ sơ vay hỗ trợ nhà ở.

“Những vướng mắc liên quan đến thủ tục đã được NHNN, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý. Việc giải ngân chậm không phải do lỗi của các ngân hàng mà do cung trên thị trường thiếu”, bà Linh nói.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, tồn kho bất động sản toàn quốc khoảng 27.805 căn, tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang, còn phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở xã hội không đáng kể. Các DN trước đây chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm.

Đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà phân tích, nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân đủ điều kiện vay mua, thuê, thuê mua nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở còn hạn chế là do nhà ở xã hội chưa được xây dựng nhiều, do trước đây, các doanh nghiệp phát triển bất động sản không chú trọng vào phân khúc này bởi lợi nhuận bị giới hạn 10%. Trong khi đó, việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại cho phù hợp với tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt tại Hà Nội và TP. HCM. Hiện nay, hầu hết các dự án nhà ở xã hội mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa ra thị trường.

“Bên cạnh đó, giá nhà xây dựng cao, DN vẫn phải đi vay ngân hàng để làm nhà xã hội, nên gặp nhiều khó khăn. Những dự án nhà ở giá thấp ở Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) đều thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, nhưng khách hàng và chủ đầu tư ký hợp đồng với nhau trước thời điểm 7/1/2013, theo quy định không được vay vốn từ gói hỗ trợ này”, ông Ninh nói.

Giải pháp: Tăng cung nhà ở xã hội

Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang tốt, ngân hàng rất muốn đầu tư để không bị đọng vốn, nhưng nhu cầu đầu tư hiện nay rất yếu.

“Về phía các ngân hàng, nguồn vốn, thời hạn, lãi suất luôn sẵn sàng và cam kết cho vay đúng đối tượng”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Mạnh cho biết thêm, NHNN sẽ tiếp tục đôn đốc các NHTM tích cực triển khai, thông tin đầy đủ đến khách hàng, yêu cầu chấp hành đúng các quy định, hướng dẫn; đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã (phường) tổ chức thực hiện việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng để tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng; đề nghị Bộ Tư pháp trước mắt chỉ đạo các văn phòng công chứng chấp thuận công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay, đặc biệt là nhà ở xã hội…

Ông Ninh cho biết, việc DN chú trọng đầu tư vào phân khúc khách hàng cao cấp mà không chú trọng vào nhà thu nhập thấp, trung bình đã được giải quyết trong Chiến lược Quốc gia năm 2020 tầm nhìn 2030. Việc phát triển nhà ở trên địa bàn toàn quốc là một trong những chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm, các địa phương phải thực hiện theo chương trình, kế hoạch, được HĐND thông qua. Ví dụ như tại Hà Nội, đến năm 2015, sẽ phát triển tối thiểu 15.500 căn hộ thu nhập thấp cho các đối tượng trên địa bàn, tránh tình trạng lệch pha về cung cầu như năm 2011 trở về trước.

Quy trình cho phép chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội phải qua nhiều bước. Việc thẩm định và cho phép, theo quy định, sẽ do UBND cấp tỉnh xem xét và chấp thuận trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng. Về việc này, các địa phương đang tích cực xem xét, như tại Hà Nội đã có 26 dự án được đề xuất, TP. HCM đã thành lập tổ công tác... Việc chuyển đổi căn hộ thương mại từ diện tích lớn sang diện tích nhỏ gặp nhiều khó khăn, nhưng Bộ Xây dựng cũng đã hướng dẫn cụ thể cho các địa phương.

“Dù những ngày đầu giải ngân chậm, nhưng với nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng lên trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng, càng ngày, vốn từ gói 30.000 tỷ đồng sẽ càng ra nhanh hơn”, ông Mạnh nói.

Đến 13/8/2013, tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết và giải ngân như sau:

Khách hàng cá nhân: Cam kết cho vay 219 khách hàng với số tiền là 66,57 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng. Cụ thể, Vietinbank cam kết cho vay 23,8 tỷ đồng trong đó giải ngân 19,5 tỷ đồng cho 78 khách hàng; Vietcombank cam kết cho vay 22,12 tỷ đồng, trong đó giải ngân 17,11 tỷ đồng cho 71 khách hàng; BIDV cam kết cho vay 10,05 tỷ đồng, trong đó giải ngân 5,46 tỷ đồng cho 25 khách hàng; Agribank cam kết cho vay 6,9 tỷ đồng, trong đó giải ngân 6,847 tỷ đồng cho 34 khách hàng.

Hiện nay, Đà Nẵng là thành phố cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân lớn nhất (chiếm tỷ trọng 29,25% toàn quốc), tiếp theo là Hà Nội (28,58%), Vĩnh Phúc (11,85%), TP. HCM (10,51%) còn lại 19,81% ở các tỉnh, thành phố khác.

Khách hàng doanh nghiệp: NHNN đã xác nhận đăng ký của BIDV ký hợp đồng tín dụng (trong khuôn khổ gói 30.000 tỷ đồng) với 2 khách hàng (1 khách hàng ở Huế và 1 ở TP. HCM) với số tiền là 658 tỷ đồng và BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng (trên địa bàn Huế) với số tiền là 34,3 tỷ đồng. Agribank đang làm thủ tục đăng ký để được xác nhận ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng (trên địa bàn Cần Thơ) với số tiền 50 tỷ đồng.

Nhuệ Mẫn (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.