Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giải ngân trong lĩnh vực bất động sản đã được triển khai từ 1.6. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để “chạm tay” tới chương trình này sẽ còn rất xa.

Cửa vào quá hẹp

Gói tín dụng 30.000 tỷ ưu đãi lãi suất 6%/năm chính thức triển khai ngày 1/6 nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân có nhu cầu mua nhà để ở. Tuy nhiên, trái với sự hồ hởi của người dân, những ngày đầu triển khai, thực tế đã không diễn ra như kỳ vọng. Để tiếp cận nguồn vốn, người vay phải trải qua rất nhiều rào cản.

gói hỗ trợ 30.000 tỷ, vay vốn mua nhà, nhà thu nhập thấp, lãi suất 6%

Để vào nhóm đối tượng được vay, cán bộ, công chức, viên chức phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về thực trạng nhà ở. Các đối tượng còn lại phải có xác nhận của UBND xã, phường nơi có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở. Người mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về nơi công tác, thực trạng nhà ở… Những quy định này có vẻ đơn giản, nhưng thực tế những người có thẩm quyền duyệt cho ai, có xảy ra tình trạng gây khó dễ rồi xin – cho hay không thì rất khó kiểm soát.

Điều kiện của ngân hàng còn khó hơn. Người thu nhập thấp đa phần chưa có nhà ở mới cần vay vốn nên điều kiện tài sản thế chấp rất khó đáp ứng. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận lại về mức thu nhập thế nào là thấp. Để đủ khả năng thanh toán tiền lãi và nợ gốc hàng tháng cho một căn hộ, trung bình thu nhập gia đình phải trong khoảng 15 – 18 triệu/tháng. Mức thu nhập này, chưa tính những khoản ngoài lương, thì đã không phải là thu nhập thấp. Người thu nhập thấp thì không với tới, trong khi những người vượt mức thu nhập chịu thuế thì lại không rơi vào nhóm được vay ưu đãi. Điều này vô hình trung đã thu hẹp cửa với những người có nhu cầu thực.

Ngoài ra, để được xem xét vay vốn, khách hàng phải ký hợp đồng với chủ đầu tư. Nếu hồ sơ không đáp ứng yêu cầu của ngân hàng thì khách hàng sẽ đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục hợp đồng thì không đủ khả năng thanh toán, bỏ hợp đồng thì phải chịu phạt.

Doanh nghiệp được ưu ái?

Theo Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp và 70% cho vay đối với người mua nhà. Trước đó, đã có rất nhiều quan điểm cho rằng nên tập trung hỗ trợ cho người dân để kích cầu, giải phóng hàng tồn kho thay vì hỗ trợ một vài doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới đây, đại diện một trong năm ngân hàng được chỉ định cho vay ưu đãi cho hay: Trong 2 - 3 năm đầu, tỷ lệ cho vay giữa doanh nghiệp và người mua nhà là 60% và 40%.

Lý do thời gian đầu doanh nghiệp cần tiền để hoàn thành dự án nên phải ưu tiên vốn, sau đó sẽ ưu tiên cho khách hàng mua nhà không thuyết phục. Bởi lẽ, nếu ưu tiên cho khách hàng vay vốn trước thì cuối cùng tiền vẫn chảy vào dự án để tạo ra sản phẩm. Điều khác biệt ở đây là chỉ một lượng vốn rẻ có giới hạn, ưu tiên ai thì người đó được hưởng. Từ đó cũng đặt ra nhiều câu hỏi, liệu từ chính sách dành 70% ưu đãi cho người dân vay mua nhà của Ngân hàng Nhà nước khi ra thực tế sẽ còn lại bao nhiêu? Các ngân hàng sẽ cùng phải cân đối tỉ lệ cho vay như nhau hay Ngân hàng Nhà nước chỉ kiểm soát tỉ lệ trên con số tổng? Cơ chế nào để đảm bảo các ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc tỉ lệ cho vay ưu đãi? Và nếu các đối tượng trong nhóm được vay ưu đãi không đủ điều kiện để vay hết 70% thì gói tín dụng có mở rộng ra với những đối tượng khác?

Vẫn còn quá sớm để có câu trả lời chính xác. Trong lúc này, người dân vẫn chờ đợi sự công tâm và những giải pháp hiệu quả để đưa gói hỗ trợ vào thực tế từ những người thực thi chính sách.

Quốc Tuấn (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.