Ảnh minh hoạ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra và hậu đại dịch cùng những diễn biến trong, ngoài nước đều là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Trước tình hình đó, Chính phủ luôn xác định phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, thoát khỏi trầm lắng. Trong thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách, hội nghị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, từng bước triển khai. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để khảo sát đánh giá tình hình, khó khăn của các địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng.
Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, trong suốt năm 2023, vượt qua nhiều thách thức, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản. Bởi ngân hàng xác định luôn luôn đồng hành với thị trường bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với tín dụng ngân hàng.
Minh chứng là trong bối cảnh khó khăn nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt 2 triệu 890 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng và rất quan tâm giải ngân cho lĩnh vực nhà ở xã hội.
Riêng đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc thông tin, hiện nay 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, BIDV và VietinBank) tham gia với 30.000 tỷ đồng/ngân hàng. Gần đây, TPBank có tham gia đăng ký một gói 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng gói này có quy mô 125.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 1,5 - 2%, tùy đối tượng tham gia. Theo đó, gói giảm 1,5% áp dụng cho nhà đầu tư kinh doanh và 2% dành cho người mua nhà. Cụ thể, chủ đầu tư được vay với mức lãi suất khoảng 8%/năm, người mua nhà vay mức 7,5%/năm.
Thông tin về kết quả triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Xuân Bắc cho biết, đến nay, mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia, với 68 dự án. Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là: Hà Nội (6 dự án), thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)..., với 30 dự án có nhu cầu vay vốn.
Trong số 30 dự án này, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án, giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương, giá trị 95,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang 128,6 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giải ngân 415,7 tỷ đồng cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.
Qua Hội nghị này, Phó Thống đốc mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về quá trình triển khai cũng như đưa ra những khó khăn, vướng mắc từ hai phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
-
Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các đơn vị nghiên cứu về việc thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội.