21/02/2018 9:20 PM
Khó huy động hiệu quả nguồn lực PPP do khung pháp lý chưa khiến nhà đầu tư yên tâm.
254.054 tỷ đồng đã đăng ký đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trong đó 237.191 tỷ đồng dự kiến do NĐT huy động. UBND TP. Hồ Chí Minh hồi cuối năm 2017 cho biết có 130 NĐT đang đề xuất và kiến nghị được tham gia đầu tư các dự án với vốn đăng ký khoảng trên 380.000 tỷ đồng… Thực tế này cho thấy, nhu cầu đầu tư PPP đang tăng lên nhanh chóng. Song nguồn vốn này sẽ khó được huy động hiệu quả bởi khung pháp lý hiện nay chưa khiến NĐT yên tâm.
Hình thức đầu tư PPP đang bị điều chỉnh bởi quá nhiều luật
Đụng đâu vướng đó
Hình thức đầu tư PPP đã được triển khai tại Việt Nam từ 20 năm trước. Đến nay các quy định có liên quan đến PPP đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên các nội dung này mới được đưa vào các văn bản cấp Nghị định, gồm Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và một số thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan. Vì vậy trong thực tiễn triển khai các dự án PPP gặp phải nhiều vướng mắc do chịu tác động của nhiều luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...
Theo phản ánh của các NĐT, khi thực hiện các nghị định điều chỉnh PPP, nếu gặp vướng mắc với các luật đã ban hành trước đó thì đều bị “tắc” do địa vị pháp lý của nghị định thấp hơn luật.
Đơn cử như sự vênh nhau trong quy định về thẩm quyền quyết định dự án. Luật Đầu tư công quy định dự án nhóm A phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, tuy nhiên Nghị định 15 lại quy định UBND tỉnh quyết định. Tương tự như vậy, theo Luật Đầu tư công các dự án nhóm C với tổng mức đầu tư nhỏ phải thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, các dự án PPP, nhất là dự án BT, có tổng mức đầu tư lớn nhưng lại không thông qua Hội đồng nhân dân. Điều này là không hợp lý và không tương xứng.
Một vấn đề khác của nghị định vênh với Luật Doanh nghiệp là quy định về tiến độ huy động vốn chủ sở hữu. Theo Bộ Giao thông - Vận tải, DN dự án PPP được lập ra như một phần của thỏa thuận được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NĐT, chỉ hoạt động theo một mục đích đặc thù duy nhất là đầu tư, quản lý vận hành dự án. Tất cả nguồn vốn kể cả vốn chủ sở hữu và vốn vay chỉ được phục vụ một mục đích là đầu tư cho một dự án duy nhất trong hợp đồng dự án.
Tuy nhiên, Điều 74 và 112 Luật DN quy định chủ sở hữu hoặc các cổ đông đều phải góp/thanh toán vốn đủ trong vòng 90 ngày hoặc ngắn hơn kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN. Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, nếu huy động vốn chủ sở hữu theo quy định của Luật DN thì sẽ có một lượng tiền rất lớn không được sử dụng và nằm trong tài khoản của DN dự án, đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phần vốn này rất lớn.
Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực, vi phạm Điều 64 Luật tiết kiệm chống lãng phí. Do vậy, cơ quan này đề nghị đối với DN thực hiện dự án PPP cần có quy định riêng về tiến độ huy động vốn chủ sở hữu theo hướng phù hợp với tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, vấn đề này cần được quy định riêng trong Luật về PPP và không cần sửa Luật DN.
Cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý
Việc chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP là kết hợp giữa cả công và tư, cũng dẫn tới quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều khó khăn, bất cập.
Ví dụ quy định về một dòng ngân sách riêng để làm phần vốn góp của nhà nước tham gia thực hiện dự án hiện vướng Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; quy định về các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ về doanh thu tối thiểu, chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro chính sách hiện vướng Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước; và một số nội dung khác còn nhiều ý kiến khác nhau cần chuyên sâu nghiên cứu như quy định về chế tài xử lý vi phạm, quyết toán công trình, quyết toán hợp đồng dự án PPP...
Do vấp phải nhiều vướng mắc về pháp lý, nên số lượng các dự án PPP mới lựa chọn được NĐT và đi vào vận hành theo 2 Nghị định trên là rất hạn chế. Sau hơn 2 năm các Nghị định, Thông tư đi vào thực thi, hơn 30 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay chủ yếu được nghiên cứu và triển khai theo quy định cũ tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP.
Cũng do vướng mắc pháp lý nên NĐT nước ngoài hiện chủ yếu tham gia vào các dự án năng lượng như BOT điện. Còn đối với những dự án đầu tư kết cấu hạ tầng như đường sá, bệnh viện… còn vắng bóng NĐT nước ngoài. Các NĐT cho rằng, quản lý và triển khai PPP bị hạn chế do cách nhìn mang nặng tính đầu tư công, dẫn tới thực tế là các thủ tục đầu tư rườm rà và đặc biệt là tâm lý e ngại trong thực hiện các giải pháp chưa có tiền lệ đối với hình thức đầu tư còn tương đối mới mẻ này ở Việt Nam.
Ngoài ra, việc quy định hình thức đầu tư PPP ở văn bản dưới luật còn khiến NĐT quan ngại tính ổn định của chính sách bởi thời gian thực hiện dự án PPP rất dài, có khi tới 20-30 năm. Trong quá trình thực hiện nếu chính sách thay đổi, NĐT sẽ bị thiệt hại. Trong trường hợp này, việc xây dựng luật riêng cho PPP lại càng cấp thiết để đảm bảo ổn định pháp lý, trấn an NĐT.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hình thức đầu tư PPP không chỉ đang bị điều chỉnh bởi nhiều luật, mà còn bị chồng lấn với hình thức xã hội hóa. Vì những lý do này, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình lên đề cương Luật Đầu tư theo hình thức PPP để nâng tầm khung pháp lý cho hình thức này. Việc xây dựng được khung pháp lý duy nhất sẽ giúp hình thức đầu tư này không chịu ảnh hưởng và bị điều chỉnh bởi các Luật khác. Đồng thời khi được nâng lên cấp luật, sẽ hạn chế rủi ro thay đổi chính sách về PPP. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút các NĐT trong nước và quốc tế rót vốn đầu tư theo mô hình PPP tại nước ta.
Ngọc Khanh (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.