25/05/2013 9:38 AM
CafeLand - Việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại về nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 gặp nhiều khó khăn; liên kết ngân hàng tài chính để giải phóng hàng tồn kho,… là những nội dung được đưa ra tại buổi hội thảo “Ý nghĩa và tính thực tiễn Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 24/05.

Ông Trương Anh Tuấn – Phó chủ tịch hiệp hội bất động sản Việt Nam đề xuất Bộ Xây dựng cần duy trì hàng năm việc giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn 30 nghìn tỷ đồng.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn yếu ớt, lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 4 (tăng 0,03%), dự báo trong cả năm mức lạm phát sẽ ở từ 6 -7%. Chỉ số quản trị mua hàng PMC tăng từ 48 điểm lên 51 điểm trong tháng 4. Đây là dấu hiệu chứng tỏ khu vực công nghiệp và xây dựng đang phục hồi. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tăng. Giải ngân FDI tăng 4%. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm 17% đạt 8,22 tỷ USD. Tín dụng tính đến cuối tháng 4 tăng khoảng 2%, mức tăng này tuy rất thấp nhưng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, trong năm 2012 hết tháng 5 tín dụng vẫn tăng trưởng âm.

Mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng theo ông Nghĩa, nếu không giải quyết được tình trạng đóng băng tín dụng theo hướng kích cầu đầu tư và tiêu dùng thì tốc độ phục hồi sẽ chậm lại, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng.

Để giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản, Ông Trương Anh Tuấn – Phó chủ tịch hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị 5 biện pháp:

Thứ nhất, các bộ ngành cần chỉ đạo các sở ban ngành quận huyện trực thuộc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án để chủ đầu tư sớm triển khai xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ 2, việc chủ trương 5 ngân hàng giải ngân khoảng vay tái cấp vốn 30 nghìn tỷ đồng là rất tốt cho các đối tượng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để chương trình này ổn định và đi vào cuộc sống thì Bộ Xây dựng cần duy trì hàng năm việc giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn 30 nghìn tỷ đồng.

Thứ 3, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt là UBND Tp.HCM và Hà Nội xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án nhằm giảm giá thành sản phẩm.

Thứ 4, nhà ở xã hội theo hình thức thuê mua, hộ gia đình chỉ được phép chuyển nhượng nhà đang thuê mua sau 5 năm kể từ khi ký hợp đồng và nhà đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ thời hạn chuyển nhượng là 10 năm) và được quyền thế chấp chính căn hộ này để thanh toán tiền mua cho chủ đầu tư.

Cuối cùng ông Tuấn đề nghị bổ sung đối tượng là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được vay vốn ưu đãi với lãi suất không quá 8%/năm và chỉ định các ngân hàng trên toàn quốc tham gia chương trình này.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), để “gỡ rối” cho thị trường bất động sản cần tăng cường sự quản lí nhà nước trong vấn đề quy hoạch và luật Đất đai. Giải pháp thứ 2 là rà soát cân đối các dự án bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Vì sau một thời gian phát triển nóng thị trường bất động sản trở nên mất cân đối, thừa nhà ở cao cấp nhưng lại thiếu những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần cho phép các doanh nghiệp bất động sản (không kể quy mô) được phép giãn tiến độ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế trong năm 2013. Kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đồng thời, các địa phương hạn chế dùng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các dự án nhà tái định cư. Nếu có nhu cầu về nhà tái định cư thì mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp với nhà tái định cư để làm nhà tái định cư để làm giảm căn hộ tồn kho. Bên cạnh đó cần áp dụng các giải pháp hỗ trợ về tín dụng dành cho thị trường bất động sản.

Nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đang trải qua nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới và sự phát triển thiếu cân đối, không bền vững, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, Quốc hội và Chính phủ cũng đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ kho khăn cho thị trường như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, không thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội, cho phép người nước ngoài được mua nhà…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường, đưa thị trường bất động sản đi lên, phát triển bền vững, góp phần là một trong các đầu tàu cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.