Khi công nghệ không thắng nổi… thủ công
Theo thống kê của Hội VLXD, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch. Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng hơn 40 tỷ viên.
Để đạt mức đó, diện tích đất phải sử dụng để lấy đất sét làm gạch lên tới 30.000ha. Điều này cũng đồng nghĩa một diện tích lớn đất nông nghiệp sẽ phải “hy sinh” vì gạch, ảnh hưởng lớn tới vấn đề lương thực, chưa kể vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, nếu đem lên bàn cân, VLXD không nung sẽ thắng áp đảo về những ích lợi có thể nhìn thấy rõ: Không sử dụng đất sét nên không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp; không qua quá trình nung nên sẽ không xả khí CO2 ra môi trường; diện tích viên gạch lớn hơn nên tính giá thành trên đơn vị m2 tường sẽ rẻ hơn gạch nung rất nhiều…
Theo các chuyên gia, nhiều nước trên thế giới đã loại bỏ vật liệu nung và thay thế bằng vật liệu xây không nung vì những lợi ích ưu việt. Tại Việt Nam, ngoài chính sách khuyến khích chung, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ thị nêu rõ các công trình xây dựng nhà cao tầng, không phân biệt nguồn vốn, phải ưu tiên và phải sử dụng VLXD không nung tối thiểu 30% trong tổng số VLXD.
Tuy nhiên, cho đến nay, VLXD không nung (chủ yếu là gạch) gần như vẫn chìm lấp trên thị trường, ngoài các công trình cao tầng, loại vật liệu này gần như không được người dân đón nhận. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp VLXD đến năm 2020 đã đề ra mục tiêu phát triển sản xuất VLXD không nung thay gạch đất sét nung vào năm 2010 là 20%.
Tuy nhiên, theo các con số thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ này mới đạt khoảng 5% và tình hình cũng không lạc quan hơn cho đến thời điểm này. Đây cũng là lý do khiến VLXD không nung “thua trắng”.
Theo TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, vật liệu không nung chậm đi vào đời sống do thói quen của người dân vốn đã quen sử dụng gạch đất sét nung cỡ nhỏ, xây dựng theo lối thủ công truyền thống, nên để thay đổi không dễ. Bên cạnh đó, dù gạch không nung đã được sử dụng trong các dự án, nhưng hầu hết công trình sử dụng gạch không nung đều do các nhà thiết kế và chủ đầu tư nước ngoài yêu cầu.
Các công trình trong nước còn ít sử dụng do các quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm về VLXD không nung, kết cấu kiến trúc… chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ.
Không dễ thay đổi thói quen
Theo các chuyên gia, VLXD không nung có đủ 2 yếu tố “thiên thời, địa lợi”, nhưng “nhân” chưa “hòa”. Xây dựng các công trình nhà ở bằng gạch nung đã có truyền thống lâu đời trong nhân dân và không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất khiến loại VLXD này chưa thể phổ biến sâu rộng.
Một phân xưởng sản xuất gạch không nung. |
Theo ông Nguyễn Công Cường, Phó Giám đốc CTCP Tập đoàn ĐMC, về mặt chính sách, các doanh nghiệp sản xuất VLXD không nung có lẽ không cần kiến nghị thêm bởi đã có đủ. Vấn đề căn bản là các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực thi.
“Một chính sách đi vào thực tế bao giờ cũng có độ trễ. Tuy nhiên, muốn gạch không nung đi được vào đời sống, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, người làm xây dựng tại địa phương hiểu được những lợi ích của loại gạch này, hạn chế việc sử dụng gạch nung, đồng thời thúc đẩy việc chuyển đổi công nghệ” - ông Cường nói.
Một số ý kiến cho rằng bên cạnh việc hạn chế gạch nung như đánh thuế tài nguyên từ việc khai thác đất sét, quy định bắt buộc công trình phải sử dụng gạch không nung… cần bổ sung cơ chế chính sách để doanh nghiệp xây dựng đào tạo tay nghề, bồi dưỡng kỹ thuật cho các công nhân trực tiếp sử dụng VLXD không nung, phổ biến kiến thức cho các chủ thầu xây dựng địa phương. Bản thân một số doanh nghiệp sản xuất VLXD không nung cũng đã thực hiện chuyển giao công nghệ cho các chủ lò gạch thủ công.
Theo ông Cường, việc sử dụng VLXD không nung sẽ là tất yếu, các công trình hiện đại sau này chủ đầu tư đều có xu hướng sử dụng gạch không nung. Lượng tiêu thụ chưa cao do tiến độ xây dựng dự án đang chững lại, mặt khác các công trình được thiết kế sử dụng gạch nung không thể đổi sang gạch không nung.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Văn Huynh cho rằng việc sử dụng VLXD không nung đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên, theo thời gian, người làm xây dựng sẽ thấy được hiệu quả và quen với việc dùng vật liệu này trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để thay đổi thói quen trong người dân, cần sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương.