25/11/2015 8:20 PM
Cuối năm 2015, thị trường địa ốc gia tăng nhiệt cả về lượng lẫn chất. Cùng lúc với nhiều dự án mới rầm rập bung hàng (chưa rõ thanh khoản), đã xuất hiện dự báo rằng cơ hội đầu tư sinh lợi sẽ mở rộng hết cỡ ngay quý I/2016 khi hàng rào pháp lý thông thoáng, cộng thêm hiệu ứng TPP lan tỏa (sức thanh khoản từ vốn ngoại).

Nhiều nhà kinh doanh thứ cấp nhận định, những suất đầu tư vào dự án cao cấp giữa lòng Hà Nội là mỏ vàng lộ thiên. Nhưng quan trọng là huy động nguồn tiền ngay lúc này nhằm duy trì thanh toán theo tiến độ dự án, đề phòng rủi ro thanh khoản chậm.

Cơ hội trong rủi ro

Chỉ “săn lùng” cơ hội từ sản phẩm căn hộ cao cấp dạng “hình thành trong tương lai” ở nội đô, nhà đầu tư Nguyễn Hải từng gặt hái lợi nhuận hàng tỷ đồng giai đoạn nửa cuối 2014 với mô hình tham gia góp vốn (đặt chỗ căn hộ dự án) ở một số dự án tiêu điểm.

“Còn nhớ, lúc thị trường mới ngấp nghé phục hồi, tôi đã rót gần 2 tỷ đồng vào 4 dự án căn hộ ở quận Hoàng Mai và Đống Đa. Nhiều bạn bè kinh doanh đều can vì quyết định có phần liều lĩnh, nhưng chỉ tới đầu 2015, họ đều tiếc nuối vì không dám…mạo hiểm”, ông Hải vui vẻ cho biết.

Một dẫn chứng khác về thành công trong đầu tư giữa cảnh “tranh tối tranh sáng”, bà Hoàng Hà, sành sỏi chợ thứ cấp nhà đất, chia sẻ về kinh nghiệm “đánh dự án” của mình. Quý I/2015, bà Hà đã dốc hầu bao (hơn 1,5 tỷ đồng) vào hai dự án (dọc đường Tam Trinh và mặt đường Kim Giang). Lúc đó, báo chí truyền thông phản ánh về nhược điểm thực tế của dự án, liên quan tới quần thể sinh hoạt, giao thông tiện ích cũng như tài chính của chủ đầu tư.

“Hầu hết dự án căn hộ trên địa bàn Hà Nội đều có khuyết điểm. Hoặc là pháp lý dự án, hoặc vị trí trái phong thủy lẫn quy hoạch hạ tầng không hoàn chỉnh. Nếu cẩn trọng thì mãi mãi không thể tự tìm cơ hội sinh lợi”, nhà đầu tư này khẳng định.

Sau khi bán căn hộ thuộc sở hữu tại quận Cầu Giấy và mảnh đất hơn 100 m2 ở Hoài Đức, bà Hà đã vào tên hợp đồng đặt mua căn hộ tại hai dự án nêu trên ngay trong tháng 1. Chưa tới hai tháng sau, khoản tiền lợi nhuận từ việc chuyển nhượng hợp đồng đạt ngót nghét 600 triệu đồng.

Trước khi bước vào tháng 11, thị trường Hà Nội cung cấp không ít các dự án nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư. Trong đó, phải nhắc tới những trường hợp gặp “phốt” về pháp lý như chủ đầu tư nợ đọng nghĩa vụ thuế, quá khứ chậm tiến độ hay méo mó bán hàng qua môi giới như tại địa bàn trung tâm quận Cầu Giấy.

Tuy nhiên, may mắn cho dự án, chủ đầu tư (lẫn các hợp đồng tham gia góp vốn căn hộ của giới thứ cấp), đa phần đều mau mắn được nhà băng “chống lưng” hoặc các pháp nhân tham gia chủ đầu tư chủ động khắc phục.

“Điển hình, dự án ở ngay gần ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Minh Giám, hay dự án nằm trung tâm mặt phố Trung Kính đã chứng kiến pha “thoát thua” của nhiều dân đầu tư ưa mạo hiểm”, một lãnh đạo DN kinh doanh địa ốc ở khu vực Xuân Thủy – Cầu Giấy nhìn nhận.

Những suất đầu tư vào dự án cao cấp giữa lòng Hà Nội có là “mỏ vàng lộ thiên”?!

Vội vã “xả hàng”

Trước cơ hội (kèm rủi ro) gia tăng trong kinh doanh BĐS nhiều hứa hẹn, thị trường nhà đất ghi nhận hàng loạt chủ sở hữu chung cư, biệt thự lẫn thổ cư mặt phố trung tâm vội vã rao bán với mức giá giảm dần.

Trao đổi với người viết, anh Đức, làm việc trong ngành ngân hàng, cho biết hiện anh đang gấp rút tìm môi giới/sàn giao dịch có uy tín và thực sự “mát tay” để bán nhanh 3 BĐS khác nhau: một căn biệt thự xây 2 tầng 1 tum, rộng 250m2, mặt tiền rộng rãi nằm tại trung tâm Trung Hòa – Nhân Chính với giá kỳ vọng… 50 tỷ đồng; một căn chung cư mặt đường Khuất Duy Tiến rộng hơn 120m2, giá kỳ vọng 5 tỷ đồng; căn nhà thổ cư cách mặt đường Nguyễn Trãi chưa tới 50m, rộng 45m2, với giá 8 tỷ đồng.

Anh Đức tiết lộ: “Đây đều là bất động sản thuộc sở hữu của một người bạn chuyên làm nghề đầu tư BĐS và chứng khoán. Trong đó, riêng căn biệt thự ở Trung Hòa – Nhân Chính được rao suốt 6 tháng vừa qua nhưng vẫn chưa tìm được khách.

Lý do vị “đại gia” nêu trên bán đồng loạt 3 BĐS đáng giá nêu trên, chính là chuẩn bị nguồn tài chính hơn 60 tỷ đồng để “nuôi” các suất đầu tư căn hộ cao cấp tại Hà Nội ít nhất tới giữa năm 2016. Ngoài ra, còn dùng để phục vụ việc săn mua cổ phiếu các DN chuẩn bị IPO thời gian sắp tới.

Được biết, theo một số môi giới thạo nghề, thời gian tháng 11 đang chứng kiến ngày càng nhiều chủ sở hữu BĐS trị giá triệu đô tìm cách đẩy hàng để thu hồi tài chính. Tuy nhiên, việc khớp nối giao dịch hàng chục tỷ đồng kiểu này rất khó.

Thanh khoản thực tế chỉ tích cực chủ yếu ở phân khúc trung cấp, bình dân, đặc biệt, ở những dự án cho phép người mua vay tiền ngân hàng ưu đãi để đóng theo tiến độ. Còn lại, sức mua (theo dạng tất toán) với lực tài chính “khủng” thì phải tiếp tục chờ thị trường bùng nổ. Giai đoạn nửa cuối 2016 mới mong viễn cảnh tươi sáng này.

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.