Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 102 dự án. Trong đó có 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.680 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng; 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 20.270 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng.
Nhiều vướng mắc trong vấn đề vốn vay mua nhà
Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội đồng thời cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở. Văn bản có hiệu lực từ ngày 15/8.
Theo đó, về điều kiện vay vốn, người vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn; phải có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; có tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở; có đủ nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội; có đủ hồ sơ chứng minh về thực trạng nhà ở, đối tượng, điều kiện cư trú và thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định; có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà để ở, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác.
Đối với vay vốn để mua và thuê mua nhà ở xã hội: Phải có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư dự án mà dự án của chủ đầu tư đó có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với vay vốn để cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới hoặc nhà để ở: Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất nơi đăng ký thường trú do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; đồng thời có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng;
Ngoài ra, thủ tục thực hiện bảo đảm tiền vay theo yêu cầu sau: Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội phải bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay, người vay vốn và chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng 3 bên về phương thức quản lý và xử lý tài sản bảo đảm. Đối với vay vốn để cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới nhà để ở: Bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ. Tính đến hết ngày 31/12/2016, lãi suất cho vay của chương trình là 4,8%/năm theo Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 06/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Còn về hạn mức cho vay thì tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở, mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Điều kiện để vay mua nhà ở xã hội người mua vẫn cần có số tiền nộp cho chủ đầu tư không thấp hơn 20 %, được vay tối đa không quá 80 % số tiền mua nhà ở xã hội.
Khó khăn trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội
Thứ nhất, thủ tục bán nhà chặt chẽ, qua nhiều khâu thẩm duyệt. Hồ sơ mua nhà phải qua kiểm duyệt tại Sở Xây dựng.
Thứ hai, nhà ở xã hội chủ yếu phát triển ở đô thị đòi hỏi nhà ở chất lượng tốt với giá rẻ để phù hợp với người có thu nhập thấp. Vì vậy, đầu tư vào nhà ở xã hội không thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà ở xã hội chậm triển khai, thực hiện.
Giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Thứ nhất, để đẩy mạnh việc triển khai nhà ở xã hội, chúng ta phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, trong đó tạo môi trường để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Thứ hai, các địa phương cần tập trung chuẩn bị quỹ đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội một cách thuận lợi nhất. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp được thuê để cải thiện chỗ ở mà pháp luật đã cho phép.
Thứ ba, phát triển nhà ở xã hội cần xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực kinh tế khác.