CafeLand - Nhà ở bình dân hay nhà ở giá rẻ là phân khúc được nhắc đến nhiều trong khoảng ba năm trở lại đây, bởi nhu cầu ở thực của khách hàng luôn chiếm trên 80%. Mặc dù vậy, phân khúc này vẫn gặp nhiều vướng mắc về cả thể chế vànăng lực chủ đầu tư. Do đó, nhà ở xanh với giá bình dân càng là một xu hướng mà không phải doanh nghiệp nào cũng dám hướng đến.

Nhiều dư địa cho nhà ở bình dân

Tại buổi hội thảo “Xanh hoá phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích” diễn ra ngày 26/7, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho rằng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt.

Dẫn khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Chiến cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc hạng trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.

Trong thời gian qua, nhận biết được những diễn biến của thị trường, nhiều đơn vị phát triển bất động sản đã chủ động thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách đầu tư sang loại hình căn hộ bình dân. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường cũng như những người có thu nhập thấp.

Phân khúc nhà ở bình dân có nhiều triển vọng.

Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn cả về thể chế và năng lực, chiến lược kinh doanh của các chủ đầu tư, cũng như sự kiểm soát nguồn tài chính bất động sản… là những rào cản khiến phân khúc nhà ở này chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu của xã hội.

Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân. Đó là doanh nghiệp bất động sản không mấy mặn mà đầu tư vào loại hình nhà ở này, do lợi nhuận thấp và giá bán phải theo mức giá trần, khống chế ở mức không vượt quá 10%. Con số này quá thấp so với việc đầu tư vào các dự án thương mại.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật gây nên tình trạng thiếu quỹ đất, chưa tạo được nguồn vốn mới hỗ trợ.

Hiện nay, bên cạnh việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh sang phân khúc nhà ở đại chúng, nhiều doanh nghiệp còn tính đến việc đầu tư, phát triển những công trình xanh với giá bình dân để đa dạng hoá sản phẩm, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Có những công trình xanh mà không đắt

Ông Jonas Grunder, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), cho rằng công trình xanh là một giải pháp thông minh để giải quyết các bài toán Việt Nam đang gặp phải trong vấn đề ô nhiễm môi trường. Một số thách thức liên quan đến năng lượng do quá trình đô thị hoá, ô nhiễm và giải pháp chính là xây dựng xanh.

“Đây cũng là vấn đề chúng tôi đang phải đối mặt tại Thuỵ Sĩ. Gia tăng hiệu quả năng lượng là cách giảm tải năng lượng, tiêu thụ ít năng lượng mà vẫn đảm bảo các tiện ích của người dùng”, ông Jonas Grunder phát biểu. Theo ông, cải thiện hiệu quả năng lượng dẫn đến ba lợi ích: hiệu quả kinh tế, giảm năng lượng, giảm hiệu ứng nhà kính.

Ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), chia sẻ: “Khi nhắc đến xanh, nhiều người thường nghĩ là rất đắt với những giải pháp đắt đỏ như dùng pin năng lượng mặt trời, trồng cây trên mái. Tuy nhiên, có dự án mà chúng tôi thấy tại Hoa Kỳ đạt chứng nhận LEED PLATINUM… lại không hẳn như vậy”.

Ông Vũ Hồng Phong.

“Tại thị trường Việt Nam, nhiều công trình xây dựng dùng kính có đắt không? Chắc chắn đắt nhưng lại không tiết kiệm nhiều năng lượng, lại còn rất chói. Vừa hấp thụ nhiều nhiệt lại vừa phải bỏ ra nhiều năng lượng để làm mát”, ông Phong đặt vấn đề.

Do đó, ông cho rằng, một người kiến trúc giỏi là người hiểu được khu đất đó cần phát triển như nào. Nguyên tắc thiết kế là giảm nhu cầu sử dụng - thiết kế thụ động/kiến trúc; sử dụng hiệu quả hệ thống công trình; nguồn năng lượng tái tạo phi tập trung - tái tạo tại chỗ; nguồn năng lượng tái tạo tập trung - ngoài phạm vi công trường; nguồn năng lượng truyền thống - điện lưới, khí,... Những giải pháp này không hề tăng chi phí.

Ông Phong dẫn chứng thực tiễn trên thế giới cho các công trình nhà ở xã hội. Điển hỉnh tại dự án Bangalore, Ấn Độ, năng lượng là sơn trắng phản xạ, tỷ lệ kính thấp, tận dụng chắn nắng ngoài, đèn LED 33%. Nước sử dụng vòi có dòng chảy chậm low flow, từ bồn rửa chén đến vòi tắm và toilet.

Dự án Santo, Haiti là một dự án thấp tầng, ở phân khúc nhà ở xã hội. Ở đây, đất họ không thiếu nhưng công nghệ không cao và tốn kém nên họ không thể xây được cao tầng. Do đó, để tiết kiệm năng lượng, họ dùng tỷ lệ kính/tường thấp - tối đa chắn nắng ngoài - đèn LED 56%. Năng lượng hàm chứa trong vật liệu xây dựng: giảm lượng bê tông sử dụng trong kết cấu - tường gạch bê tông cho tường trong và tường ngoài.

“Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng những giải pháp trên thế giới mà không hề tốn nhiều chi phí”, ông Phong nhận định.

Theo ông, với các quốc gia đang phát triển tỷ lệ xây dựng rất nhanh thì áp dụng chứng nhận EDGE là rất phù hợp, để khắc phục toàn bộ những yếu tố yếu kém của thị trường, đặc biệt là tiến độ bán dự án của thị trường bất động sản thì chứng nhận này ứng dụng rộng rãi, phù hợp với tiến độ phát triển.

“Có những công trình đắt mà không xanh và có những công trình xanh mà không đắt. Công trình nào cũng là bê tông giống nhau, sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi ích mang lại”, ông Phong nói.

EDGE là một hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp tiết kiệm năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu xây dựng công trình, qua đó giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Hệ thống chứng chỉ EDGE được thiết kế cho các thị trường mới nổi, giúp đưa ra các giải pháp thiết kế kỹ thuật hiệu quả cho công trình với những tính toán chi phí đầu tư và mức tiết kiệm tương ứng để chủ đầu tư lựa chọn mức độ "xanh” của công trình.

Để có được chứng chỉ EDGE dựa trên thiết kế công trình, các chủ đầu tư sẽ phải chứng minh công trình của mình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu ít nhất là 20% so với một công trình điển hình, thông qua sử dụng công cụ EDGE để đánh giá. Sau khi được xây dựng hoàn thiện, công trình sẽ một lần nữa được kiểm tra thực tế để nhận được chứng chỉ EDGE cuối cùng.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.