03/12/2017 9:40 PM
Những căng thẳng ở BOT Cai Lậy – Tiền Giang xem chừng không thể điều hòa nếu nhà đầu tư vẫn quyết thu khi người dân tìm đủ trăm phương nghìn kế gây khó dễ. Những diễn biến mấy ngày qua cho thấy sức mạnh dân chúng đáng sợ như thế nào. Quả thực trình độ dân trí ở ta không phải thấp như nhiều người nhận xét.

BOT Cai Lậy đã trở thành "điểm nóng" trong thời gian vừa qua.

Sự xuất hiện của lực lượng vũ trang không những không bảo đảm được trật tự mà còn gây ra hình ảnh không mấy thiện cảm trong mắt người dân. Chuyện đó đúng hay sai sẽ “hạ hồi phân giải”. Nhưng nên chăng, họ (lực lượng vũ trang) chỉ nên theo dõi nắm bắt tình hình và ngăn ngừa chuyện đáng tiếc xảy ra. Khó chống lại người dân nếu làm chuyện bất tình bất lý. Căng thẳng leo thang không có lợi cho hình ảnh cơ quan chức năng.

Những gì đang diễn ra ở Cai Lậy hết sức quan ngại, cái gốc của xung đột ở đây là mâu thuẫn lợi ích kinh tế. Cho nên, chỉ có thể dùng cái biện pháp kinh tế mới đánh trúng tâm vấn đề. Ngay cả khi cơ quan chức năng có kết luận BOT Cai Lậy không sai cũng vẫn khó thuyết phục người dân vì bất hợp lý.

Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch Bắc – Nam và nghiễm nhiên là tài sản toàn dân. Ngày xưa không có BOT thì người dân vẫn thuận tiện đi lại, đường vẫn rộng mà chẳng ai phàn nàn gì. Từ ngày dựng lên trạm thu phí đẻ ra biết bao nhiêu búc xúc, căng thẳng. Chỉ nhìn ở góc độ cảm tính đã thấy có vấn đề.

Khi sự việc bung bét ra thì người ta mới hỏi, người dân có vai trò gì trong thực hiện các dự án BOT? Họ có được tham gia đóng góp ý kiến và quyết định nơi nào cần BOT, nơi nào không cần BOT? Họ có được quyền giám sát chất lượng công trình có BOT?... Rất, rất nhiều những vấn đề mà nên xem đó là bài học kinh nghiệm không chỉ với BOT.

Đã đến lúc phải có phiên tòa giải quyết căng thẳng, chứ không nên để tình trạng “tiếp thị sữa” dùng xã hội đen với cánh tài xế. Bộ GTVT phải là cơ quan tài phán, tiến hành rà soát, thanh tra toàn diện các dự án BOT. Nhà nước cũng không nên đánh đổi lòng tin của nhân dân để cho tồn tại một dự án quá nhiều tai tiếng như thế.

Cơ quan chức năng phải nhận thấy rằng, cách thức phản đối của tài xế không còn đơn thuần dùng “võ miệng”, luật giang hồ chợ búa… mà họ đã dùng đến luật pháp, dùng trí tuệ chứng tỏ họ không còn là những cá nhân đơn lẻ. Dư luận và mạng xã hội đều bày tỏ đồng phản đối BOT Cai Lậy.

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy BOT không còn lý do để tồn tại ở Cai Lậy. Dĩ nhiên cái khó ở đây là “bỏ thì thương, gánh thì nặng”. Nếu di dời, nhà nước phải thu hồi dự án đồng nghĩa với việc đền vốn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên Bộ GTVT đã nói “do kinh phí hạn hẹp nên không thể mua lại dự án”.

Nếu đền bù chắc sẽ có những cá nhân phải chịu trách nhiệm để xảy ra sai phạm? Có thể đẩy rủi ro cho ngân hàng nhưng đó mới là giải pháp triệt để nhất cho vấn đề này. BOT Cai Lậy phải trở về tuyến đường tránh mà doanh nghiệp này xây dựng. Đồng thời phải minh bạch công khai tổng vốn xây dựng và thời gian thu phí là bao lâu để người dân biết và giám sát.

Đền bù và giải tỏa là phương án tối ưu nhất mặc dù có thể vấp phải sự cản trở của “nhóm lợi ích”, nhưng nó chẳng là gì so với ý chí người dân.

Trương Khắc Trà (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.