18/12/2012 8:57 PM
Theo giới kinh doanh địa ốc, giải pháp quan trọng nhất để giải cứu bất động sản chính là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Sự khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay theo giới kinh doanh địa ốc là xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính yếu vẫn là do sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Tại Hội thảo “Triển vọng thị trường BĐS năm 2013” được tổ chức tại TP. HCM mới đây, TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2012 là năm thị trường BĐS thể hiện rõ sự suy giảm. Đến quý I/2012, dù không còn chính sách thắt chặt thị trường, nhưng tình hình vẫn rất trầm lắng, thanh khoản cạn kiệt. Những con số về hàng tồn kho, dư nợ tín dụng rất lớn là minh chứng cho những khó khăn thị trường. Theo ông Chung, nhìn ở góc độ khách quan, sự suy giảm thời gian qua xuất phát từ những nguyên nhân mang tính quy luật của thị trường. Từ giai đoạn 2006 - 2009, thị trường BĐS phát triển quá nóng. Trong một thời gian rất ngắn, hàng chục ngân hàng thương mại và các tổ chức ngân hàng nước ngoài được hình thành. Các dự án có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng được khởi công, rất nhiều khoản vay được hình thành và trở thành nợ xấu. Quý I/2003, khả năng thị trường vẫn có biểu hiện suy giảm, nhưng từ quý II, thị trường sẽ đi lên và quý III trở đi, thị trường sẽ bước vào chu kỳ mới, chu kỳ phát triển lên cấp độ tài chính hóa.

Giải pháp quan trọng nhất để giải cứu bất động sản chính là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng

Còn theo TS. Phạm Đỗ Chí, nền kinh tế hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất vẫn là tình trạng bấp bênh của hệ thống ngân hàng với khối nợ xấu chưa được giải quyết. Món nợ liên hệ đến BĐS ước tính lên đến 1 triệu tỷ đồng và chưa có lối ra. Từ những nhận định trên, ông Chí đưa ra 2 kịch bản cho thị trường BĐS năm 2013.

Kịch bản hạ cánh mềm, sẽ được diễn ra với điều kiện tái lập ổn định vĩ mô và tăng trưởng năm 2013 - 2015 bằng các chính sách thích hợp như giải quyết được tồn kho BĐS bằng các biện pháp cải thiện cung - cầu; lập lại trật tự trong hệ thống ngân hàng bằng các biện pháp thị trường nhằm giảm lãi suất xuống dưới 10%/năm và giá nhà đất cần giảm thêm khoảng 30% nữa để giải quyết hàng tồn kho.

Kịch bản hạ cánh cứng, sẽ diễn ra nếu sự khó khăn của nền kinh tế không được giải quyết thỏa đáng, dẫn đến lạm phát hai con số trở lại; chính sách quản lý thị trường vàng thiếu hợp lý, áp lực tỷ giá có thể đưa mức trượt giá mới của VND tăng mạnh. Nếu kịch bản này xảy ra, giá BĐS có thể sẽ giảm thêm khoảng 50%.

Nhìn nhận sự khó khăn dưới góc nhìn của các doanh nghiệp địa ốc, đại diện hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường BĐS khó khăn, nhưng nguyên nhân cốt lõi hiện nay là niềm tin của người tiêu dùng bị khủng hoảng nghiêm trọng. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành cho rằng, thị trường vốn dĩ đã khó khăn từ nhiều năm qua, gần đây càng trở nên “ngộp thở” hơn. Cái khó của thị trường hiện nay xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quyết định là do người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin.

“Vì nghĩ người tiêu dùng khó khăn về tài chính, gần đây khi bán căn hộ Dự án Lê Thành Twin Tower ở quận Bình Tân, chúng tôi đã kèm theo chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng 12%/năm trong suốt 5 năm, nhưng rốt cuộc việc bán hàng cũng không mấy hiệu quả. Khi tìm hiểu, chúng tôi biết được, họ không mua vì cho rằng, giá bán lúc này còn cao, chờ giá giảm thêm nữa mới mua. Trong khi đó, giá chúng tôi bán ra không thể giảm hơn được nữa”, ông Nghĩa nói và cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng bị khủng hoảng một mặt xuất phát từ tình hình khó khăn chung, nhưng mặt chính là do cách bán hàng thiếu nhất quán của các doanh nghiệp tạo nên.

Tương tự, theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, khủng hoảng niềm tin là vấn đề chính gây nên tâm lý chờ đợi của cả thị trường. Do đó, cần có các biện pháp chung để ổn định tâm lý cho thị trường như minh bạch hóa thông tin, xây dựng các chỉ số BĐS, thông tin về giá, cung cầu, tình hình diễn biến các phân khúc của thị trường để làm cơ sở tham chiếu cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kết hợp với các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư đưa ra các báo cáo chung về thị trường, về dự án, tránh trường hợp ước lượng cảm tính.

Theo Tăng Triển (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.