14/10/2017 10:31 AM
Để giải bài toán chống úng ngập vào mùa mưa khu vực phía Tây, trao đổi với báo KT&ĐT, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) thoát nước Hà Nội (nay là Ban QLDA đầu tư Công trình Cấp, thoát nước và môi trường TP) Phạm Văn Cường cho rằng, cần có chính sách để cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư với TP, trên tinh thần vì mục tiêu chung.
Nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) thoát nước Hà Nội (nay là Ban QLDA đầu tư Công trình Cấp, thoát nước và môi trường TP) Phạm Văn Cường.
Mùa mưa vừa qua dư luận khá băn khoăn về việc trong khi các tuyến phố cũ hệ thống thoát nước đã cơ bản đáp ứng khi có mưa lớn, nhưng ở các khu đô thị (KĐT) mới hay các tuyến đường mới lẽ ra phải có hệ thống hiện đại hơn, thì dường như lại bị ngập nặng hơn?
- Khi lập quy hoạch thoát nước Hà Nội, các khu vực đều đã được lên kế hoạch xây dựng tổng thể hệ thống thoát nước. Cụ thể, trong các Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội được lập năm 1995 hay quy hoạch mới đây đều đề cập đến việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, nhưng phân kỳ đầu tư, ưu tiên triển khai các khu vực trọng điểm.
Do đó, lưu vực sông Tô Lịch (bao gồm 4 quận nội đô: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa) là nơi có các cơ quan, ban ngành và tập trung đông dân cư hơn, nên được ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước bắt đầu từ năm 1998 đến nay.
Dự án thoát nước giai đoạn I và II của TP, thực tế mới chỉ giải quyết vấn đề ngập úng cho vùng lõi, từ lưu vực sông Tô Lịch trở vào đến sông Hồng. Trong khi đó, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội mở rộng và phát triển mạnh ra phía Tây với nhiều tuyến đường, KĐT mới được đầu tư xây dựng. Hệ thống thoát nước vẫn chủ yếu là kênh tiêu nông nghiệp, chảy ra sông Nhuệ, sông Ðáy, nhưng lại phải gánh hai vai, vừa phải chống úng cho nông nghiệp vừa phải chống ngập cho đô thị, nên không đáp ứng được.
Cùng với đó, các KĐT mới lại chưa có chuẩn cốt nền phù hợp với cốt nền chung; hệ thống thoát nước riêng của khu với hệ thống chung chưa được kết nối thông suốt. Đã thế vì lo ngập, nên xảy ra tình trạng dự án sau cốt nền cao hơn dự án trước, nên mặt bằng hệ thống nhấp nhô, không có dòng chảy đồng bộ, phù hợp nên xảy ra ngập cục bộ.
Khu vực đường Phạm Hùng ngập nặng sau trận mưa cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: Chiến Công
Vậy nghĩa là để giải quyết vấn đề ngập úng phía Tây TP, thì phải tiếp tục có các dự án thoát nước mà TP đã làm như khu vực nội đô, thưa ông?
- Trước đây ,năm 1994 có trận mưa khoảng 220mm, tôi còn nhớ Hà Nội ngập đến 2 tuần, nhất là khu vực hồ Thiền Quang hay khu vực Giáp Bát. Dự án thoát nước giai đoạn I đã giúp Hà Nội cải thiện tình trạng úng ngập đáng kể, điển hình là trận mưa lịch sử năm 2008, nếu không có trạm bơm Yên Sở thì TP có thể ngập hàng tháng.
Dự án thoát nước giai đoạn II đã hoàn thành cơ bản, tiếp tục giải quyết úng ngập cho nội thành rất rõ. Với trận mưa khoảng 300mm, hầu hết nội đô đều rút nước trong vài giờ. Hiện chỉ có khu vực phía Tây nằm ngoài phạm vi dự án nên khu vực này đang giống thực trạng nội đô cách đây hơn 20 năm.
Vì vậy, giải bài toán chống úng ngập cho TP trong tình hình mới (đồng bộ giữa thoát nước nội đô và khu vực phía Tây, từ vành đai 3 trở ra; đồng bộ hệ thống thoát nước đô thị và nông nghiệp) thì đương nhiên cần phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy hoạch thoát nước tổng thể cho khu vực nói trên. Điều này đã thể hiện rất rõ trong Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Là người từng tham gia trực tiếp dự án thoát nước giai đoạn II của TP, ông có thể cho biết một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án thoát nước?
- Đối với dự án thoát nước giai đoạn I và II của TP, chúng ta có được sự trợ giúp vốn vay ODA của Nhật Bản, nên không lo về kinh phí, nhưng quá trình thực hiện để giải ngân được nguồn vốn cũng không đơn giản do những vướng mắc trong GPMB.
Đối với việc thực hiện dự án quy hoạch thoát nước từ vành đai 3 trở ra hiện nay, tôi nghĩ sẽ khó khăn hơn nhiều vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi vốn ngân sách hạn hẹp, vốn vay nước ngoài như ODA hiện không còn đơn giản, kêu gọi xã hội hóa không dễ vì phải cân bằng giữa lợi ích nhà đầu tư với TP. Đã đến lúc cần có chính sách để cân bằng lợi ích này trên tinh thần vì mục tiêu chung.
Xin cảm ơn ông!
Để giảm thiểu úng ngập cho khu vực này, UBND TP Hà Nội đã giao cho các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng trạm bơm Liên Mạc công suất 170m3/s bơm nước ra sông Hồng; trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s bơm nước ra sông Đáy để hạ mực nước sông Nhuệ.
Thương Huế (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.