Đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội
Dự án Đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài đang được Chính phủ và TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm, bởi đây là dự án có vị trí đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc sông Hồng và TP. Hà Nội. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Tôi đồng tình với quan điểm cần sớm xây dựng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển dự án đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài”.
Theo Đồ án Quy hoạch đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài, Dự án được lập trên ý tưởng tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội, với ý tưởng chính là “Rồng đón ngọc”, xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Thành phố, đầu Rồng quay về hướng sông Hồng - Hồ Tây.
Với nguồn vốn đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng (thời điểm năm 2015) và diện tích cần sử dụng lên tới 2.000 ha thuộc phạm vi 3 xã của huyện Sóc Sơn và 10 xã của huyện Đông Anh (phần lớn là đất trồng lúa, làng xóm, điểm dân cư), nguồn vốn để thục hiện dự án này đang là bài toán khó.
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ, vốn đầu tư dự án dự kiến được lấy từ ngân sách trung ương và nguồn xã hội hóa (huy động vốn của các nhà đầu tư). Ngoài ra, Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép huy động các nguồn vốn hợp pháp khác như vay ưu đãi, nguồn vốn ODA, vốn nhàn rỗi từ kho bạc… trong trường hợp thiếu vốn.
Song theo giải trình của UBND TP. Hà Nội, dự án này khó thực hiện trong các năm tới, bởi nguồn vốn ngân sách của Hà Nội còn đang gặp khó khăn, không có khả năng cân đối đáp ứng nhu cầu đầu tư. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ trái phiếu Thủ đô đang được tập trung cho các công trình trọng điểm. Ngoài ra, nếu áp dụng hình thức đầu tư theo hợp đồng, thì có thể gặp khó khăn do khả năng thu phí người sử dụng thấp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ, bản chất của cơ chế, chính sách đặc thù này là làm sao lấy tiền từ quỹ đất hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài để phát triển hạ tầng tiếp theo, đây là định hướng đúng và hoàn toàn khả thi.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, 22.200 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khung và 10.800 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng thì không phải là vấn đề quá lớn. Từ kinh nghiệm triển khai các dự án đô thị trước đó, có thể xây dựng khu mới này hoàn toàn đồng bộ, hiện đại và nên lựa chọn đấu thầu hạn chế để chọn ra được những nhà đầu tư tốt nhất.
Ngoài nguồn vốn, thì vấn đề giải phóng mặt bằng cũng cần được giải quyết. Một số ý kiến cho rằng, nhất thiết Nhà nước phải đứng ra làm việc này chứ không thể để nhà đầu tư, bởi sẽ dẫn tới không bảo đảm mục tiêu quy hoạch. KTS. Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho hay, nếu Thành phố lo việc này thay các nhà đầu tư thì việc triển khai dự án sẽ thuận lợi hơn.
Nhiều nơi đã có tình trạng nhà đầu tư trực tiếp giải phóng mặt bằng, sau thấy vướng mắc thì bỏ dở. Giải phóng mặt bằng cũng phải làm đồng bộ, tránh tình trạng chỗ nào phát triển được thương mại, dịch vụ thì làm nhanh, chỗ làm công viên hoặc công trình phúc lợi xã hội lại làm chậm. Ngoài các nhà đầu tư trong nước, còn có nhà đầu tư nước ngoài vốn rất ngại tham gia công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, Nhà nước phải giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng cơ sở thì mới hấp dẫn được các nhà đầu tư nói chung.
“Cho dù Thành phố thực hiện việc giải phóng mặt bằng thì cũng rất cần các chủ trương, chính sách đúng đắn, đảm bảo lợi ích của người dân và đặc biệt không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện công tác này”, ông Tùng lo ngại.
Cần phải nhắc lại là, Hà Nội đã từng gặp nhiều vấn đề khi thực hiện các dự án lớn. Nhiều dự án chỉ đẹp trên mô hình, bản vẽ, nhưng thực hiện rất phức tạp, chậm trễ, gây bức xúc đối với người dân như các dự án đô thị vệ tinh của Hà Nội là: đô thị Xuân Mai - Hòa Lạc; Sơn Tây - Miếu Môn, dự án đường sắt trên cao…
Với Dự án Đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài, nếu Hà Nội không làm tốt ngay từ những khâu lên đồ án quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thì rất có thể dự án có vị trí đắc địa duy nhất còn lại tại nội thành Hà Nội sẽ chịu chung số phận với những dự án kể trên.