CafeLand - Xanh đang là “mốt” thời thượng, là điểm nhấn cho nhiều dự án bất động sản. Bên cạnh yếu tố tiết kiệm năng lượng, những dự án xanh không chỉ mang đến cho người mua một chỗ ở mà còn là một nơi đáng sống đúng nghĩa.
Ám ảnh chiếc hộp
Việt Nam có tốc độ đô thị hóa vào loại hàng đầu của thế giới. Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị nước ta sẽ lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Chính sự gia tăng chóng mặt của dân số đô thị đã kéo theo sự hình thành của hàng loạt đô thị mới, cùng với đó là áp lực đè nặng lên những đô thị lớn hiện hữu, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội.
Để đáp ứng đủ nhu cầu chỗ ở cho lượng dân số trên, hàng loạt dự án chung cư cao tầng nối đuôi nhau mọc lên như nấm. Việc bê tông hóa nhà cửa, nhưng lại thiếu hụt cây xanh, cộng thêm áp lực về hạ tầng giao thông và ngập úng diễn ra thường xuyên khiến cho cuộc sống của người dân đô thị trở nên ngột ngạt.
Tại các đô thị lớn, đất đai ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Việc sở hữu một căn nhà có khoảng không riêng, có vườn cây xanh là điều không thể đối với nhiều người dân. Thêm vào đó, cách thiết kế và xây dựng tại nhiều chung cư đang biến nơi ở của hàng ngàn hộ dân chẳng khác nào chiếc hộp. Đặc biệt, tại khu vực trung tâm, nhiều chung cư chen nhau trên một diện tích chật hẹp. Nhiều tòa nhà mở cửa sổ ra đã chạm ngay bức tường của nhà hàng xóm. Ánh nắng mặt trời đôi khi lại là khái niệm xa xỉ tại nhiều chung cư, dù ban ngày nhưng vẫn phải bật đèn sáng trưng.
“Nhiều chủ đầu tư vì muốn khai thác tối đa lợi nhuận nên đã tận dụng mọi khoảng không gian khi xây dựng chung cư. Dự án cả nghìn hộ dân nhưng lại không đáp ứng đủ cơ sở hạ tầng, thiếu hụt cây xanh, công viên và các tiện ích cơ bản khiến cuộc sống ở đây trở nên vô cùng ngột ngạt”, một cư dân cho biết.
Xanh nửa vời
Trên thực tế, mong ước về một không gian sống đầy đủ các tiện ích, chất lượng dịch vụ luôn được người tiêu dùng hướng đến. Khi trình độ dân trí và chất lượng sống của người dân đô thị ngày càng cao, người dân có nhu cầu tìm kiếm một nơi không chỉ để ở mà còn thỏa mãn các tiêu chí về không gian, cây xanh, không khí trong lành. Một căn nhà xứng đáng là nơi nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng.
Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp đã hình thành nên những khu đô thị, dự án bất động sản xanh. Chỉ có điều, bên cạnh một số dự án xanh đúng nghĩa, nhiều dự án đang gắn mác xanh để dụ dỗ khách hàng. Nhiều chủ đầu tư khi giới thiệu dự án đã không ngần ngại lồng ghép những hình ảnh cây xanh, hồ bơi, công viên, tiện ích hào nhoáng vào bên trong dự án. Sau khi đã bán được nhà cho khách hàng, họ không thực hiện đúng cam kết. Tệ hơn nữa, nhiều hạng mục như diện tích cây xanh, không gian công cộng, công viên, hồ bơi bị chủ đầu tư cắt xén để kinh doanh hoặc xây hạng mục khác sai phép.
Chưa kể, đánh vào tâm lý sính ngoại của không ít khách hàng, nhiều chủ đầu tư tìm đủ mọi cách để khoác lên cho dự án mình những giải thưởng mỹ miều từ các tổ chức trong và ngoài nước như dự án tốt nhất, chất lượng tốt nhất, công nghệ tốt nhất… nhưng khi vào ở thực tế thì khách hàng mới té ngửa vì chất lược thực sự của dự án.
Giám đốc một công ty địa ốc chia sẻ, hiện nay nhiều dự án đang mượn cái mác dự án xanh để đánh lừa khách hàng. Cách làm ăn gian dối, nửa vời của một số chủ đầu tư khiến cho khái niệm bất động sản xanh bị bóp méo, đánh mất niềm tin của người mua nhà.
Bất động sản xanh đang là xu hướng được khách hàng lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Văn.
Thế nào mới là xanh?
So với nhiều nước trên thế giới và khu vực như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, khái niệm bất động sản xanh còn khá mới ở Việt Nam. Số lượng dự án được cấp chứng chỉ xanh của Việt Nam cũng chưa nhiều. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định bất động sản xanh sẽ là xu hướng phát triển tất yếu phải hướng đến nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ con người.
Theo ông Nam, bất động xanh không gói gọn trong việc dự án có nhiều cây xanh. Khái niệm xanh ở đây là tổng hòa từ nhiều yếu tố, đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu… đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường.
Theo tài liệu của GreenViet, nếu năm 2010 - 2011 chỉ có hai công trình xanh tại Việt Nam, thì tới năm 2012 - 2013 đã tăng lên 15 công trình và đến năm 2016 - 2017 dự kiến sẽ có hơn 42 công trình được cấp giấy chứng nhận công trình xanh. Một đơn vị tại TP.HCM là Phúc Khang đang phát triển hai dự án xanh đạt tiêu chuẩn LEED của Mỹ. Đó là dự án Diamond Lotus Riverside ở quận 8 và Diamond Lotus Lake ở quận Bình Tân. Cuối năm 2016, đơn vị này cho ra mắt dòng sản phẩm xanh mang tên Vietnam Square tại Mũi Né, thành phố Phan Thiết.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, chia sẻ hiện nay các vấn đề về biến đổi khí hậu do thiếu hụt mảng xanh nghiêm trọng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu. Các đợt mưa lớn vừa qua đã khiến cho tình trạng giao thông, hệ thống thoát nước tại nhiều thành phố lớn trở nên quá tải.
“Bất động sản xanh là xu hướng tất yếu để ứng phó với hiện trạng bê tông hoá đô thị ngày nay. Công trình xanh - kiến trúc xanh là một trong những giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính, giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân tại khu vực”, bà Mẫu chia sẻ.
Hiện nay tại Việt Nam có ba hệ thống đánh giá công trình xanh đã được đưa vào sử dụng. Đó là LEED, Lotus và BCA Green Mark. Trong đó, hệ thống LEED đươc xem là tiêu chuẩn có những yêu cầu khắt khe nhất. Được biết, để một công trình đạt chứng nhận LEED, tổ chức USGBC (US Green Building Council) sẽ xem xét và cho điểm các hạng mục vật liệu; tài nguyên sử dụng phải là vật liệu tái sử dụng, thân thiện môi trường, vật liệu địa phương có nguồn gốc gia công sản xuất; chất lượng môi trường không khí trong nhà (thông gió, quản lý chất lượng không khí trong công trình, sự thoải mái về nhiệt, ánh sáng ban ngày và tầm nhìn); thiết kế đổi mới mang tính ứng dụng cao. Giảm tiêu thụ điện năng (khi công trình giảm tiêu thụ năng lượng, khí thải nhà kính cũng được giảm theo, tác động mạnh đến việc bảo vệ môi trường); sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; kết nối giao thông công cộng, địa điểm bền vững.
Bà Mẫu cho biết, khi đáp ứng các tiêu chí quan trọng của công trình xanh, cộng đồng cư dân tại dự án sẽ được thụ hưởng những lợi ích như tăng 3 - 5% năng suất lao động của người sử dụng công trình, giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng. Giảm 30-50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10-15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình.
Mặt khác, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ đối với quá trình phát triển đô thị như giảm thiểu tác động xã hội, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch.
Theo số liệu thống kê năm 2015, tỷ lệ cây xanh tại Singapore là 30,3m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41m2/người, Berlin (Đức) 50m2/người, Paris (Pháp) 25m2/người. Theo quy hoạch chung của TP. HCM đến năm 2015, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người trong nội thành hiện hữu là 2,4 m2/người, nội thành phát triển mới là 7,1 m2/người, ngoại thành 12 m2/người. Trên thực tế, tỷ lệ cây xanh tại Hà Nội là 3,02m2/người và tại TP. HCM thì chưa đến 1m2/người.
Mặc dù là xu thế tất yếu nhưng bất động sản xanh vẫn đối diện với không ít thách thức, đó là những hiểu biết về bất động sản xanh của người tiêu dùng còn hạn chế. Với chủ đầu tư, để phát triển công trình xanh, họ phải đối mặt với không ít thách thức như chi phí đầu tư ban đầu, thời gian đầu tư và các thủ tục, pháp lý phức tạp hơn các dự án thông thường. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hiện nay chưa khuyến khích chủ đầu tư phát triển công trình xanh, và thị trường đầu vào cũng như đầu ra chưa có đủ thông tin về sản phẩm mới mẻ này.
Vũ Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.