Sáng nay, thị trường tiếp tục nhích lên trong phiên châu Á. Lúc 8h (Hà Nội) đạt 1.284 USD một ounce, tương đương 32,82 triệu đồng một lượng (chưa tính thuế, phí, gia công). Hôm qua, thị trường trong nước đóng cửa tại 36,37-36,49 triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, giá các hợp đồng giao tháng 12 lại giảm gần 1 USD xuống 1.284 USD mỗi ounce.Chứng khoán Mỹ hôm qua gần như đi ngang do nhà đầu tư không có lý do tiếp tục mua vào, sau khi các chỉ số chủ chốt liên tục lập đỉnh vài ngày qua. Trong khi đó, chỉ số Dollar Index giảm 0,2% so với các tiền tệ lớn trên thế giới, sau khi chạm đỉnh hơn một năm tại phiên trước đó.
"Thị trường đang theo sát diễn biến của USD. Nó có thể khiến giá vàng dao động trong khoảng 10-20 USD. Tuy nhiên, vàng phải phá xuống dưới 1.275 USD hoặc bứt lên trên 1.325 USD thì mới thu hút được nhà đầu tư. Còn nếu không, thị trường sẽ vẫn mắc kẹt trong khoảng này", Afshin Nabavi – Giám đốc giao dịch tại MKS cho biết.
Số liệu kinh tế yếu tại Đức và kết quả kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp đã ghìm lại đà tăng của chứng khoán châu Âu. Thị trường này đã tăng 6% từ ngày 8/8.
Đồng euro hôm qua bật lên khỏi đáy hơn một năm sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức - Wolfgang Schaeuble bác bỏ suy đoán của thị trường rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng tiền tệ trong vài tháng tới. Tuần trước, Chủ tịch ECB - Mario Draghi kêu gọi cơ quan này phải hành động mạnh hơn về cả tài khóa và tiền tệ. Việc này đã khiến thị trường cho rằng họ sẽ công bố biện pháp nới lỏng trong cuộc họp hội đồng thống đốc tuần này.
Chỉ số đo niềm tin tiêu dùng tại Đức công bố hôm qua giảm mạnh nhất hơn 3 năm. Trong khi đó, ảnh hưởng từ khủng hoảng Ukraine và căng thẳng Nga – phương Tây cũng khiến kết quả kinh doanh nhiều công ty bị ảnh hưởng.
Tại châu Á, lực mua vật chất đã nhích lên phần nào, nhưng vẫn còn rất yếu. "Thị trường đang rất thận trọng. Nhu cầu vật chất còn yếu hơn tháng trước và năm ngoái", Brian Lan – Giám đốc điều hành hãng bán lẻ GoldSilver Central cho biết.