Chốt phiên giao dịch ngày 23/12 tại Mỹ, mỗi ounce vàng mất 5 USD, xuống 1.198 USD. Nguyên nhân là nhà đầu tư hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới hiện có giá khoảng 30,50 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Giá đóng cửa hôm qua của vàng miếng trong nước xoay quanh 35,05-35,15 triệu đồng.
Giá vàng được dự báo giảm 30% trong năm nay. Ảnh: Reuters
Giá vàng đang hướng tới mức giảm 30% năm nay. Giới phân tích cho rằng đầu năm mới, thị trường có thể phá đáy 1.050 USD một ounce xác lập hồi tháng 4/2010.
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuần trước tuyên bố giảm quy mô gói kích thích do nền kinh tế có dấu hiệu tốt lên, nhiều nhà đầu tư đã tìm cách tháo chạy khỏi vàng. Chương trình này của FED đã làm bệ đỡ cho kim loại quý nhiều năm qua.
Dù FED chỉ cắt giảm 10 tỷ USD, giới phân tích cho rằng việc này cũng gây ảnh hưởng tâm lý đáng kể. "Giảm phát là điều duy nhất mọi người nghĩ đến sau hành động này, chứ không phải lạm phát. Và dĩ nhiên, việc đó không có lợi cho giá vàng. Nếu nền kinh tế vẫn giữ được đà hồi phục, tôi cho rằng vàng sẽ xuống đáy xác lập tháng 7/2010 là 1.170 USD trong vài tuần tới, và sau đó là 1.050 USD", Ralph Preston – nhà phân tích tại Heritage West Futures cho biết.
Từ đầu năm, vàng đã giảm giá 28%, chấm dứt chuỗi 12 năm tăng liên tục. Do nhà đầu tư dự đoán nền kinh tế tốt lên sẽ khiến FED rút kích thích và vàng không còn là công cụ trú ẩn an toàn.
Dự trữ tại SPDR Gold Trust – Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã tăng 5,4 tấn lên 814,12 tấn thứ Sáu tuần trước. Đây là lần tăng đầu tiên của quỹ này từ đầu tháng 11. Tuy vậy, cả năm 2013, SPDR Gold Trust đã bán ra 450 tấn vàng, khiến dự trữ xuống thấp nhất gần 5 năm. 8 quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, trong đó có SPDR, đã bán ra tổng cộng 720 tấn kim loại quý năm nay do nhà đầu tư chuyển dần sang tài sản rủi ro hơn, như chứng khoán.