Giá vàng biến động nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần song vẫn trải qua tuần giảm sâu thứ hai trong năm nay do hoạt động bán tháo 3 phiên đầu tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không nhắc tới gói kích thích kinh tế mới như kỳ vọng.
Đầu phiên ngày thứ Sáu, vàng sụt hơn 1%
sau khi Ấn Độ tuyên bố nâng gấp đôi thuế nhập khẩu vàng khiến thị trường
lo sợ nhu cầu vàng vật chất sẽ giảm sút. Giá sau đó bật tăng trở lại
bởi giá dầu tăng, đồng USD yếu và lạm phát tại Mỹ cao nhất 10 tháng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, các quỹ tiền tệ đã thoát vị thế vàng và chuyển sang đầu tư chứng khoán sau khi chỉ số S&P 500 vượt 1.400 điểm trong tuần này – cao nhất kể từ đầu năm 2008, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones lên cao nhất kể từ năm 2007. Các báo cáo về thị trường lao động Mỹ vài tháng trở lại đây tích cực, làm tăng niềm tin vào sự hồi phục kinh tế vững chắc.
Đóng cửa phiên 16/3, giá vàng giao ngay dừng ở 1.660 USD/ounce, tăng 2,8 USD so với phiên liền trước, giá vàng kỳ hạn tháng 4 trong khi đó hạ 3,7 USD xuống 1.657,5 USD/ounce. Khối lượng giao dịch phiên qua bằng mức bình quân 30 ngày nhưng thấp hơn nhiều so với các phiên liền trước.
Trong tuần này, giá vàng hạ 3% - xóa tan nỗ lực tăng kể từ cuối tháng 1 bởi nhà đầu tư thất vọng khi Fed đã không đưa ra gói kích thích kinh tế mới. Kim loại quý này giờ đây chịu nhiều áp lực về mặt kỹ thuật, với khả năng sẽ lún sâu hơn nữa trước khi phục hồi.
Chuyên gia Tom Fitzpatrick của CitiFX, đơn vị nghiên cứu kỹ thuật của Citigroup, nhận xét, mỗi khi thoái lui trong xu hướng giá tăng kể từ năm 2001, vàng đều tìm về một mức sàn gần với bình quân 55 tuần. Và đợt này, vàng có thể kiểm tra mức thấp 1.580 USD/ounce trong vài tuần tới, trước khi bước vào đợt tăng khác.