Trong phiên, có lúc giá giao ngay lên tới 1.204 USD một ounce. Giá các hợp đồng giao tháng 6 cũng tăng 8,7 USD lên 1.201 USD một ounce. “Đà tăng cuối ngày có vẻ xuất phát từ diễn biến đồng đôla”, Howard Wen – nhà phân tích kim loại quý tại HSBC nhận xét.
Đà tăng tiếp tục lan sang phiên châu Á sáng nay. Đến 8h (giờ Hà Nội), giá đứng tại 1.207 USD lúc 8h Hà Nội, tương đương 31,46 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí, gia công). Giá trong nước hôm qua đóng cửa tại 35,09-35,19 triệu đồng.
USD ban đầu mạnh lên, sau đó quay đầu giảm so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới, sau số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp Mỹ giảm 0,6% trong tháng 3. “Sự sụt giảm của đồng đôla chủ yếu do kinh tế Mỹ yếu đi. Miễn là số liệu còn yếu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ ít có khả năng nâng lãi suất sớm”, Daniel Briesemann – nhà phân tích tại Commerzbank cho biết.
USD mất giá so với euro sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố kỳ vọng đà phục hồi tại eurozone sẽ lan rộng và vững chắc hơn, đồng thời loại trừ khả năng giảm lãi suất huy động.
Dù vậy, đà tăng của thị trường hôm qua bị ảnh hưởng phần nào nhờ chứng khoán châu Âu mạnh lên, chạm đỉnh 14 năm. “Giá vàng đang phải cạnh tranh với nhiều công cụ tài chính khác trả lãi suất cố định. Có quá nhiều yếu tố thách thức và tôi không cho rằng tình hình này có thể xoay chuyển sớm”, Robin Bhar – nhà phân tích tại Societe Generale nhận định.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7% trong quý I – chậm nhất 6 năm cũng cho thấy nhu cầu vật chất tại quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới này cũng sẽ ảm đạm năm nay.
Trên thị trường dầu thô, giá hôm qua lập đỉnh mới trong năm sau số liệu cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng chậm hơn dự kiến trong tuần trước. Giá dầu WTI giao tháng 5 tăng gần 6% lên 56,39 USD một thùng. Trong khi đó, dầu Brent lên 63,32 USD một thùng.