Mặc dù tính đến tháng 6, chỉ số ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm tăng 2,3%, nhưng thành tích khiêm tốn này vẫn thua xa mức tăng trưởng của năm 2008.
Giá thuê bất động sản cao cấp tại Châu Âu tính đến tháng 6 chỉ tăng 0,5% trong vòng 12 tháng do thị trường lao động gặp nhiều khó khăn. Giá thuê bất động sản cao cấp tại thị trường Luân Đôn, New York và Hồng Kông đã lần lượt tăng 25,7%, 23,9% và 35,6% kể từ mức khủng hoảng đáy. Trong khi giá thuê bất động sản cao cấp tiếp tục được đẩy lên cao tại New York và Hồng Kông, thì mức giá thuê tại Luân Đôn lại đang giảm nhẹ.
Tại các thị trường cho thuê hàng đầu trên thế giới, nguồn cầu của các công ty ngày càng tăng sức ảnh hưởng và chiếm đến 85% nhu cầu thuê các bất động sản cao cấp tại một số thành phố.
Tại Manhattan (Mỹ), giá thuê bất động sản cao cấp đang ở đỉnh cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng. Một nền kinh tế trong khu vực đang được cải thiện, công ăn việc làm ngày càng nhiều và điều kiện cho vay của các ngân hàng được siết chặt đã giúp đẩy giá thuê lên cao do khách mua nhà tiềm năng đã quyết định sẽ thuê nhà cho tới khi các điều khoản vay được nới lỏng.
Giá bất động sản cao cấp tại Hồng Kông và Singapore đã tăng lần lượt 76,5% và 31,2% kể từ mức khủng hoảng đáy. Sức ép chi trả để mua nhà cộng với tỉ lệ lãi suất tăng kèm theo nguồn cầu mạnh từ khách nước ngoài đã góp phần đẩy mạnh giá thuê của thị trường cao cấp. Tuy nhiên giá thuê tại Hồng Kông và Singapore vẫn tăng ít hơn so với giá bán với mức tăng lần lượt là 35,6% và 20,6%.
Knight Frank dự báo, mức tăng trưởng giá thuê trong tương lai nhiều khả năng sẽ tập trung vào các thị trường mới nổi do sự toàn cầu hóa về kinh doanh ngày càng phát triển. Vị trí dẫn đầu quý này thuộc về Nairobi, Tel Aviv và Quảng Châu.