20/04/2016 3:12 PM
Sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ thương mại tạm thời với phôi thép và thép xây dựng, giá thép đã bị đẩy lên cao do tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, giá thép đã hạ nhiệt do nguồn cung dồi dào và một số nhà sản xuất cam kết không tăng giá bán.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, quý I/2016, các thành viên của VSA sản xuất được mức sản lượng lớn nhất từ trước đến nay: gần 374 nghìn tấn ống thép, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cũng tăng cao do đang vào mùa xây dựng. Tính riêng trong tháng 3/2016, sản lượng thép xây dựng tiêu thụ đã đạt hơn 1 triệu tấn, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong quý I/2016, tổng lượng thép xây dựng được tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt 2 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2015.
VSA cho biết: Bên cạnh nhu cầu thép do thị trường xây dựng vào mùa thì tâm lý‎ “găm hàng” chờ giá lên cao sau khi quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được Bộ Công Thương ban hành cũng khiến tiêu thụ thép tăng cao. Thống kê cho thấy, trong số hơn 1 triệu tấn thép tiêu thụ tháng 3 thì chỉ có khoảng 50.000 tấn thép xây dựng được xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Điều đáng nói, nếu như đầu tháng 3, giá thép đã được các đại lý đẩy lên cao thì chỉ một tháng sau đó, giá thép đã hạ nhiệt. Tại Hà Nội, giá thép bán lẻ trên thị trường đã về mức 11.000 - 11.500 đồng/kg tùy loại và thương hiệu, thấp hơn 15% so với thời điểm cuối tháng 3. Chị Bích Ngân, chủ cửa hàng sắt thép trên đường Minh Khai (Hà Nội) - cho biết: Đầu tháng 3/2016, khi có quyết định của Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với thép nhập khẩu, giá thép thay đổi theo từng ngày, thậm chí có ngày thay đổi đến 2 – 3 lần giá, cao điểm tăng từ 400.000 – 800.000 đồng/tấn. Dù vậy, hiện tượng này không kéo dài lâu do trước đó, thị trường khá ảm đạm, lượng hàng tồn kho nhiều. Hiện tại, giá thép đã giảm 100.000 – 200.000 đồng/tấn so với đầu tháng 3.
Điều này đã khiến nhiều đại lý “găm” hàng bị thua lỗ nặng. Phổ biến nhất là các đại lý cấp hai, ôm hàng khi giá thép tăng cao, với kỳ vọng giá thép sẽ tiếp tục tăng nữa. Đại lý thép Vân Phương tại Hưng Yên cho biết, đại lý này đã ôm một khối lượng hàng khá lớn lúc giá thép là 12,5 triệu đồng/tấn, nhưng giờ giá bán ra chỉ còn 11 - 11,3 triệu đồng/tấn, lỗ 1 triệu đồng/tấn. Có đại lý lỗ đến gần trăm triệu đồng do lượng hàng tồn từ đợt sốt giá lên đến vài trăm tấn. Nay giá thép giảm nhưng các đại lý vẫn phải bán ra vì nguồn cung dồi dào, cộng với tâm lý không thể để lượng hàng tồn kho lâu hơn nữa.
Theo VSA, đến cuối tháng 3, lượng thép tồn kho vẫn còn khoảng 325.000 tấn. Thị trường sẽ có thêm nguồn cung khoảng 1 triệu tấn thép từ một loạt dự án mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Vân Anh (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.