Quảng cáo mua bán nhà đất tại Quận 9, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng vào bất động sản nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu, cũng sẽ giúp giá nhà đất không tăng quá nóng, gây bất lợi cho người có nhu cầu thật về nhà ở.
Tích cóp không theo kịp giá tăng
Đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Tân (quận 2, TP.HCM) dự tính mua một mảnh đất ở quận 9 với giá 24 triệu đồng/m2 để làm nhà. Do còn thiếu hơn 300 triệu nên ông Tân đợi qua Tết âm lịch có thêm khoản tiền thưởng của hai vợ chồng sẽ mua.
Thế nhưng thời điểm đó giá đất ngoại thành bắt đầu tăng. Giá mảnh đất ông Tân định mua đang từ 1,6 tỉ đồng vọt lên trên 2,5 tỉ vào tháng 5-2017. Chỉ khoảng một năm, giá đất tại đây từ 24 triệu/m2 lên 38 triệu/m2, tăng tương đương 58%. Vậy là vợ chồng ông Tân chỉ còn có nước... ngó!
Tình cảnh của ông Tân cũng giống nhiều người, nhất là những người có mức thu nhập trung bình như nhân viên văn phòng, buôn bán nhỏ... Họ có tích lũy trên dưới 1 tỉ đồng và với đà tăng của giá nhà đất như vậy khó lòng tìm được một miếng đất, thậm chí ngay cả chung cư cũng khó.
Nhiều báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường và hiệp hội bất động sản cũng đã chỉ ra cơn sốt bất động sản vào năm 2017 đã đẩy giá nhà đất tại TP.HCM lên một mặt bằng giá mới, cùng với đó là giấc mơ sở hữu nhà đất của nhiều người dân ngày càng trở nên khó khăn và xa vời hơn.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô trong những tháng đầu năm 2017 tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã đẩy giá đất lên quá cao, dù được thành phố xử lý hạ nhiệt kịp thời.
Tuy nhiên, hiện lại có dấu hiệu sốt giá trở lại với đất nền ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Khách hàng nghe môi giới giới thiệu các dự án đất nền trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Chỉ người đầu cơ mới lo
Theo các chuyên gia bất động sản, năm 2018 dự báo thị trường bất động sản có thể tiếp tục phục hồi. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng bất động sản sẽ gây khó khăn cho những người đã ôm hàng bằng tiền vay, một hoạt động không khuyến khích.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều chính sách siết tín dụng bất động sản là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp và thị trường bất động sản ngày càng minh bạch, lành mạnh và bền vững".
Theo đó, khi nguồn vốn tín dụng vào bất động sản bị siết lại, các doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín và thương hiệu sẽ có các cơ hội để huy động từ các nguồn vốn khác, góp phần làm lành mạnh thị trường.
Những doanh nghiệp có các chỉ tiêu kinh doanh lợi nhuận tốt, có quỹ đất... vẫn đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay.
Ngoài ra, theo HoREA, các doanh nghiệp bất động sản cũng nên tính tới các biện pháp huy động vốn khác như cổ phần hóa, phát hành trái phiếu, hợp tác, liên doanh, sáp nhập... Đây sẽ là quá trình phân loại các chủ đầu tư bất động sản để loại bỏ những đơn vị không đủ năng lực, không phục vụ lợi ích khách hàng ra khỏi thị trường, góp phần làm cho thị trường minh bạch và lành mạnh hơn.
Trong khi đó, các ngân hàng nói rằng việc này không ảnh hưởng nhiều đến những người vay mua nhà để ở, vì họ có nguồn thu nhập ổn định phù hợp với khoản vay. Những trường hợp vay mua nhà để ở, họ không dám phiêu lưu, đánh quả như những người vay để đầu cơ.
Cũng có chuyên gia cho rằng lẽ ra phải kiểm soát dòng tiền vào bất động sản sớm hơn, bởi một khi hoạt động đầu tư bằng vốn vay vào bất động sản quá mức có thể dẫn đến rủi ro, bong bóng giá, đe dọa lạm phát... như từng xảy ra những năm trước đây.
Cần huy động vốn của khách hàng Các chuyên gia bất động sản cho rằng khi vốn tín dụng ít đi thì vốn ứng trước của khách hàng rất quan trọng. Các nhà đầu tư dự án bất động sản phải cân nhắc nhu cầu thực của khách hàng nhiều hơn. Theo ông Lê Hoàng Châu, "đây là cơ hội cho các doanh nghiệp đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, giao nhà, coi trọng hậu mãi chăm sóc khách hàng để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng". |