Ông Phan Trung Tường - phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) vừa ký công văn số 504/UBND-VP về việc xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm trong việc đào đất, san lấp ruộng và mở đường trái phép tại xã Ia Đêr.

Những mảnh ruộng được đổ đất, san nền chờ người mua

Theo đó, thời gian gần đây, xuất hiện một số đối tượng có hành vi đào đất và san lấp ruộng, mở đường trái phép tại khu vực cánh đồng Ia Chor, thuộc làng Brel.

Ngày 26/4/2019, UBND huyện Ia Grai đã có văn bản chỉ đạo số 411/UBND-VP giao Phòng Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND xã Ia Đêr kiểm tra, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, qua xem xét báo cáo số 80/BC-TNMT ngày 9/5/2019 của Phòng Tài nguyên & Môi trường về việc kiểm tra vị trí san lấp đất tại khu vực cánh đồng Ia Chor, UBND huyện thấy đơn vị này chưa làm rõ hành vi và biện pháp xử lý đối với các đối tượng vi phạm được quy định tại văn bản pháp lý nào.

Những mảnh ruộng được đổ đất, san nền chờ người mua

Để xử lý các đối tượng vi phạm được kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định, UBND huyện Ia Grai yêu cầu Phòng Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, làm rõ đối tượng có hành vi đào múc đất tại khu vực làng Brel, việc xử phạt vi phạm và buộc khắc phục hậu quả của UBND xã Ia Đêr đã đúng quy định chưa, việc khắc phục hậu quả như thế nào; hướng xử lý tiếp theo ra sao...

Đối với ông Ngô Công Tiên và Phạm Minh Sỹ, do có hành vi đổ đất san gạt trên đất lúa, yêu cầu Phòng Tài nguyên & Môi trường xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật; đối với hành vi làm đường trái phép trên đất lúa của ông Phạm Xuân Dinh, yêu cầu Phòng Tài nguyên & Môi trường củng cố hồ sơ tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định...

Khu dân cư sầm uất dưới ruộng

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc này ở địa phương này. Cách đây khoảng 5 năm, nhiều cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số nơi đây, đã mua đất ruộng ở khu vực này với giá dao động từ vài chục đến một trăm triệu đồng/sào sau đó đổ đất, phân nền bán lại với giá thấp nhất là 100 triệu đồng/100m2, tính ra, 1 ha đất lúa, nhiều cá nhân kiếm được tiền tỷ dễ như chơi.

Thời điểm đó, hoạt động này diễn ra ồ ạt và công khai khiến diện tích trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của người dân.

Cụ thể, trước đây, dân làng làm 2 vụ lúa nhưng sau đó vụ Đông Xuân không làm được vì thiếu nước. Nguyên nhân, do người ta đổ đất xây nhà làm cho nước khó theo mương dẫn vào ruộng.

Mùa mưa thì nước thoát không kịp nên mương nước bị sạt lở, hư hỏng nặng. Ngoài ra, nhà cửa mọc lên san sát khiến dân làng không còn đường đưa máy móc vào ruộng và cũng không còn đường để vận chuyển lúa nên rồi lâm vào thế… buộc phải bán ruộng.

Bìa đỏ đã được cấp với chú thích là đất vườn

Khoản 3, khoản 4, điều 5 Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ Quy định rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi UBND cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

Công văn của UBND huyện Ia Grai

Ngọc Linh (TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.